02/08/2014 - 09:47

Giới lãnh đạo châu Á và quyền lực mềm kinh tế

Châu Á đã trải qua một giai đoạn bất ổn chính trị và phân cực cả ở cấp độ khu vực lẫn quốc gia. Vấn đề này đặt ra thách thức đáng kể đối với tiềm lực và sức mạnh kinh tế của một số nước vốn giữ vai trò chủ đạo trong triển vọng phát triển kinh tế của toàn châu lục.

Cử tri Indonesia mới đây đã chọn thống đốc Jakarta Joko Widodo làm tổng thống và đưa ông vào hàng ngũ các nhà lãnh đạo mới của châu Á bên cạnh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Dưới "triều đại" của những nhà lãnh đạo mới, trang tin Diplomat tin rằng các quốc gia này có thể đưa châu Á đến tầm cao mới, không chỉ đại diện cho hơn 1/3 dân số thế giới mà còn là nhóm những nền kinh tế phát triển nhanh chóng.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) dự kiến công du Tokyo vào tháng 8 này theo lời mời của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái). Ảnh: Hinduhumanrights.

Tuy nhiên, thách thức cũng như trách nhiệm của họ là tìm giải pháp hợp tác trên bàn cờ quyền lực mới và giải quyết những tranh chấp chiến lược thông qua phương pháp tiếp cận quyền lực mềm với "vũ khí" quan trọng: kinh tế. Có thể thấy, cải cách kinh tế là ưu tiên hàng đầu cho các nhà lãnh đạo châu Á. Điển hình là chính sách "Ba mũi tên" của Thủ tướng Nhật Abe (Abenomics), chiến lược cải thiện chất lượng tăng trưởng của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Likonomics) và học thuyết kinh tế Modinomics của Thủ tướng Ấn Độ Modi. Sắp tới có thể là Jokonomics của tân Tổng thống Indonesia.

Mặt khác, sự phụ thuộc lẫn nhau về ngoại giao và chính trị giữa các nước châu Á là xu hướng ngày một gia tăng bất chấp những căng thẳng và đối đầu trong khu vực, bởi một châu Á mạnh hơn về chính trị và kinh tế vẫn là mối quan tâm hàng đầu của giới lãnh đạo. Trong đó, một số quốc gia trong khu vực đã lựa chọn chiến lược thoát khỏi quỹ đạo phương Tây và hướng tới các đối tác trong khu vực trước tình trạng bất ổn kinh tế đang diễn ra tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Ví dụ rõ nét nhất là sự hình thành khu vực thương mại tự do Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với số dân 1,9 tỉ người và kim ngạch thương mại 4,5 nghìn tỉ USD. Ngoài ra, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà khối này đã ký hiệp định thương mại tự do gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand dự kiến cũng sẽ được ký kết trước năm 2015 nhằm mục đích liên kết các nền kinh tế khu vực.

Theo Diplomat, quyền lực mềm có thể được gia tăng thông qua sự hợp tác tích cực. Hơn nữa, hợp tác kinh tế dựa trên sự thịnh vượng chung có thể mang đến hiệu quả lâu dài trong thúc đẩy gần gũi hơn các mối quan hệ. Không chỉ góp phần giải quyết các tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình, quyền lực mềm tập thể còn cho phép các cường quốc châu Á phấn đấu vì một vai trò lớn hơn trong hệ thống quản lý trên toàn cầu, cụ thể là trong các cơ quan chính sách quốc tế và định chế đa phương vốn bị chi phối bởi Mỹ và các cường quốc phương Tây khác.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết