|
Quyền lực của lãnh tụ tối cao Khamenei đang bị thách thức.
Ảnh: Reuters |
Sự chia rẽ trong hệ thống giáo sĩ cầm quyền ở Iran trở nên sâu sắc hơn khi lực lượng an ninh nước này cuối tuần rồi bắt giữ con gái và 4 người thân trong gia đình cựu Tổng thống Hashemi Rafsanjani, một trong những chính khách có ảnh hưởng nhất ở Iran. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani, cựu trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, cũng ngã về phe đối lập khi cho rằng đa phần người dân Iran hoài nghi thắng lợi trong bầu cử vừa qua của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.
Những người thân của cựu Tổng thống Rafsanjani bị bắt vì cáo buộc “kích động bạo lực”. Tuy họ nhanh chóng được thả ra (có tin nói là con gái Faezeh Hashemi vẫn còn bị giam), nhưng động thái trên được xem là thách thức trực tiếp đối với ông Rafsanjani, nhân vật ủng hộ ứng viên đối lập Mir Hossein Mousavi trong cuộc bầu cử hôm 12-6.
Là một trong những thành viên chính tổ chức cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, nên vào thời điểm lãnh tụ tối cao Ruhollah Khomeini qua đời năm 1989, ông Rafsanjani trở thành người có quyền lực nhất ở Iran. Ít nhất 4 năm sau đó, ông Rafsanjani vẫn là nhân vật uy quyền nhất (trên cương vị tổng thống), cho tới khi người được chỉ định thay thế lãnh tụ tối cao là Ali Khamenei (nắm quyền tới nay) xây dựng được thế lực dựa vào các cơ quan an ninh và lực lượng Vệ binh Cách mạng.
Tại buổi lễ cầu nguyện ở Đại học Tehran hôm 19-6, Đại giáo chủ Khamenei một lần nữa lên tiếng ủng hộ Tổng thống Ahmadinejad khi thừa nhận thắng lợi của ông trong bầu cử. Hội đồng Giám hộ, cơ quan bầu cử tối cao, cũng bác bỏ yêu cầu của ông Mousavi tiến hành cuộc bầu cử mới, mà chỉ đồng ý kiểm lại ngẫu nhiên 10% phiếu bầu.
Tất nhiên, ông Rafsanjani, ông Mousavi và các đồng minh không thể chấp nhận quyết định của Hội đồng Giám hộ. Có tin nói rằng ông Rafsanjani đang tập hợp liên minh gồm các đại giáo sĩ để lật đổ Đại giáo chủ Khamenei. Ông Rafsanjani hiện đứng đầu 2 tổ chức giáo sĩ đầy quyền lực ở Iran là Hội đồng Chuyên gia, có quyền giám sát và thay đổi lãnh tụ tối cao; và một hội đồng có chức năng phân xử tranh cãi giữa Quốc hội (dân cử) và Hội đồng Giám hộ (được chỉ định), vốn có thể ngăn cản quá trình lập pháp.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Larijani chỉ trích Hội đồng Giám hộ là đứng về phía ông Ahmadinejad. Ông Larijani cho rằng hầu hết người dân Iran không chấp nhận kết quả kiểm phiếu, và giục các nhà lãnh đạo tiến hành điều tra toàn diện các cáo buộc gian lận trong bầu cử. Cựu Tổng thống Mohammad Khatami (giai đoạn 1997-2005) cũng cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng nếu chính phủ mạnh tay với các cuộc biểu tình hiện nay. Tuyên bố của ông Khatami nhằm chỉ trích việc bảo vệ kết quả bầu cử của Đại giáo chủ Khamenei. Em trai ông Khatami từng bị bắt sau khi xảy ra các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử.
Theo giới quan sát, tình hình hỗn loạn ở Iran đang làm lung lay nền móng của hệ thống chính trị thần quyền do Giáo chủ Khomeini lập ra sau Cách mạng Hồi giáo. Việc các giáo sĩ và người dân công khai thách thức Đại giáo chủ Khamenei và hoài nghi tính hợp pháp của thể chế lãnh tụ tối cao là điều chưa từng xảy ra ở Iran.
N.MINH (Theo Bloomberg, Reuters, NYT)
Hội đồng Giám hộ
thừa nhận một số sai lệch trong cuộc bầu cử tổng thống
(TTXVN)- Truyền hình nhà nước Iran ngày 22-6 đưa tin Hội đồng Giám hộ - cơ quan giám sát bầu cử của Iran - đã thừa nhận có một số sai lệch trong cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi ở nước này 10 ngày trước.
Theo phát ngôn viên Hội đồng Giám hộ Abbasali Kadkhodai, cơ quan này đã tiến hành kiểm tra sau khi nhận được đơn khiếu nại của ba ứng cử viên tổng thống (bị thất cử) rằng số phiếu bầu ở một số huyện nhiều hơn số cử tri hợp lệ. Kết quả kiểm tra sơ bộ cho thấy tình trạng này được phát hiện tại 50 huyện.
Hãng Fars đưa tin ba đối thủ của Tổng thống Mahmoud Amadinejad là các ông Hossein Mousavi, Mehdi Karroubi và Mohsen Rezai trước đó đã khiếu nại rằng có tới 80-170 trên tổng số 366 huyện ở Iran có số phiếu bầu lớn hơn số cử tri đăng ký. Ba ứng cử viên này cũng đã liệt kê 646 “điểm bất thường” trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 12-6 vốn gây ra làn sóng biểu tình bạo lực ở Tehran và nhiều thành phố khác ở nước này. |