19/02/2025 - 22:17

Giới chính trị gia nhấn mạnh vai trò của châu Âu trong nỗ lực hòa bình tại Ukraine 

Sau khi giới chức Mỹ và Nga tiến hành cuộc đàm phán kín trực tiếp đầu tiên về giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine, ngày 18-2, các chính trị gia của Phần Lan và Thụy Ðiển đều nhấn mạnh tới vai trò của châu Âu đối với tiến trình này.

Tại cuộc họp báo ở Helsinki, Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo khẳng định bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cho Ukraine cũng sẽ không được làm thay đổi cấu trúc an ninh của châu Âu và châu lục này có lợi ích then chốt trong các cuộc đàm phán cũng như trong thỏa thuận đạt được, bởi kết quả đàm phán không chỉ tác động đến toàn bộ châu Âu mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh của Phần Lan.

Thủ tướng Orpo cũng tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ quốc gia Ðông Âu trong cuộc xung đột hiện nay.

Cùng ngày, tại Stockholm, Ngoại trưởng Thụy Ðiển Maria Stenergard bày tỏ quan ngại tương tự khi cho rằng không thể tiến hành đàm phán về xung đột Ukraine mà không có sự tham gia của chính nước này. Bà Maria Stenergard cũng khẳng định vị trí của châu Âu trong các cuộc đàm phán, đồng thời cảnh báo rằng các cuộc gặp Nga - Mỹ mà không có sự tham gia của Ukraine sẽ đưa đến kết quả có thể tác động lâu dài đến an ninh của châu Âu.

Theo các nguồn tin, sau khi Nga và Mỹ tiến hành cuộc hội đàm tại Saudi Arabia ngày 18-2 và trước đó một ngày là cuộc họp khẩn của một số nhà lãnh đạo châu Âu tại Paris (Pháp) để bàn về đối sách can dự vào các cuộc đàm phán liên quan đến cuộc xung đột Ukraine, một số nước đang lên kế hoạch cho cuộc họp tiếp theo mở rộng hơn, với sự tham gia của nhiều quốc gia trong và ngoài châu Âu.

Trong các tuyên bố liên quan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các nước phương Tây tiếp tục tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả việc cử cố vấn và huấn luyện viên quân sự để bảo vệ chủ quyền của quốc gia này. Tuy nhiên, Ðiện Kremlin cảnh báo sự hiện diện của các lực lượng quân sự NATO, dù chỉ mang tính chất huấn luyện, cũng sẽ bị xem như tham gia trực tiếp vào xung đột và làm gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự.

Trên thực tế, kế hoạch đưa quân tới Ukraine đang gây tranh cãi trong chính giới lãnh đạo châu Âu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để ngỏ khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tới Ukraine nhưng bên cạnh đó, ông cũng cho rằng chỉ nên thực hiện ở mức độ hạn chế, không liên quan tới các khu vực xung đột và vẫn cần có vai trò của Mỹ trong việc đảm bảo an ninh cho Ukraine. Anh cũng đồng tình quan điểm này, trong khi Ðức và Ý phản đối mạnh mẽ.

THANH PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết