20/03/2017 - 21:59

Gian nan nghề kéo chỉ xơ dừa

Giá chỉ xơ dừa tại tỉnh Bến Tre sụt giảm mạnh và gặp khó trong tiêu thụ, nhiều người làm nghề sản xuất kinh doanh chỉ xơ dừa đang lao đao. Không ít cơ sở và hộ dân làm nghề chỉ xơ dừa phải hoạt động cầm chừng, hoặc tạm thời đóng cửa cơ sở.

Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất tại ĐBSCL. Để nâng cao giá trị trái dừa, ngoài việc phát triển xuất khẩu dừa trái và các sản phẩm chế biến từ cơm dừa, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh dừa trong tỉnh còn tận dụng vỏ dừa để sản xuất chỉ xơ dừa và mụn dừa. Từ chỉ xơ dừa, các cơ sở và hộ dân kéo sợi có thể sản xuất các sản phẩm, sau đó cung cấp cho doanh nghiệp thu mua đem xuất khẩu. Thời gian qua, nghề sản xuất chỉ xơ dừa đã giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập khá nhờ tham gia các công đoạn từ sản xuất chỉ thô đến các sản phẩm thành phẩm để xuất khẩu như: thảm chỉ xơ dừa, dây phục vụ neo buộc ghe tàu… Thế nhưng, gần đây giá chỉ xơ dừa giảm mạnh và khó tiêu thụ khiến nhiều người làm nghề này gặp khó.

Sản xuất chỉ xơ dừa tại một nhà máy ở huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.

Hiện nay, giá chỉ xơ dừa tươi mới làm ra được nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ xơ dừa trong tỉnh bán ra ở mức 2.200-2.300 đồng/kg, giảm khoảng 50% so với năm 2016. Cùng kỳ năm trước, giá chỉ xơ dừa kéo sợi ở mức 12.000 đồng/kg, nay chỉ còn trên dưới 6.000 đồng/kg, nhưng nhiều hộ dân và cơ sở sản xuất vẫn khó tiêu thụ hàng. Theo ông Lê Văn Lực ngụ ấp Tân Đức A, xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, cho biết: "Tôi phải tạm thời đóng cửa ngừng sản xuất từ 2 tháng nay, do tồn hơn 30 tấn thảm và chỉ xơ dừa kéo sợi chưa bán được. Trước đây, sản phẩm của cơ sở làm ra bao nhiêu đều được doanh nghiệp thu mua hết để xuất khẩu, nhưng những tháng gần đây doanh nghiệp chậm thu mua. Hiện tại, gia đình đang nỗ lực tìm thêm đầu ra để sớm ổn định hoạt động trở lại. Nếu cơ sở nghỉ thời gian dài sẽ có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng và nhiều lao động bị mất việc". Cũng theo ông Lực, thời gian qua cơ sở của ông có khoảng 20 lao động làm việc thường xuyên, thu nhập khoảng 150.000-200.000 đồng/người/ngày. Bên cạnh đó, cơ sở còn kết nối thu mua hàng của 4 cơ sở nhỏ và hàng chục hộ dân. Tổng khối lượng sản phẩm làm ra đạt khoảng 1 tấn/ngày.

Anh Phạm Văn Sul, chủ một cơ sở sản xuất kinh doanh dừa có quy mô khá lớn tại xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, cho biết: "Không chỉ người làm chỉ xơ dừa mà nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ dừa cũng đang bị đuối sức do giá dừa trái tăng cao và chi phí đầu tư máy móc, thuê mướn nhân công ở mức cao, nhưng giá nhiều sản phẩm đầu ra lại giảm, nhất là giá dừa hột và chỉ xơ dừa". Theo nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh dừa ở Bến Tre, họ rất lo tới đây nguồn cung dừa nguyên liệu có thể giảm mạnh, do nhiều vườn dừa cho trái ít và bước vào các tháng mùa nắng, ảnh hưởng của nước mặn, dừa trái tiêu thụ mạnh, không còn nhiều dừa khô cho chế biến. Tuy nhiên, giá các sản phẩm dừa xuất khẩu có sớm tăng trở lại hay không còn phụ thuộc nhiều vào các thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc. Trước thực tế đó, những người làm nghề sản xuất kinh doanh dừa rất mong được các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ trong phát triển sản xuất và mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu.

Thực tế cho thấy, dù nguồn cung dừa trái đang có xu hướng giảm nhưng giá không tăng mà đã giảm 5.000 đồng/chục 12 trái so với tháng trước. Hiện dừa khô loại 1 được các nhà máy mua ở mức 90.000-100.000 đồng/chục 12 trái, tiểu thương thu mua tận vườn của nông dân ở mức 80.000-85.000 đồng/chục. Trong khi đó, dừa hột (dừa đã được bóc tách vỏ) ở mức 9.000 đồng/trái (loại 1kg/trái trở lên), còn loại nhỏ hơn có giá 6.000-8.000 đồng/trái.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết