Chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây bệnh từ mẹ. Đây là một trong những thành công lớn nhất của cuộc chiến chống lại HIV/AIDS tại Việt Nam hơn 20 năm qua, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc cho cộng đồng.
Ảnh minh họa: Cộng tác viên dân số TP Cần Thơ tuyên truyền cho chị em trong độ tuổi sinh sản về các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
HIV/AIDS lây truyền qua 3 con đường chính là đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Ở đường lây truyền thứ 3, nếu người mẹ không được dự phòng, nguy cơ lây bệnh từ mẹ sang con là 25-40%. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả, tỷ lệ lây truyền bệnh cho con chỉ còn 2-6%, thậm chí bà mẹ nhiễm HIV có thể sinh ra đứa con khỏe mạnh.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con những năm gần đây giảm đáng kể, nhờ chương trình điều trị dự phòng được triển khai rộng khắp các tuyến y tế từ trung ương đến cơ sở. Năm 2012, cả nước phát hiện 127 trẻ nhiễm HIV dưới 1 tuổi thì đến năm 2022 chỉ có 17 trẻ.
Trong chương trình truyền hình trực tuyến Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, TS.BS Đỗ Thị Nhàn, Trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, hiện công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo 3 nhánh thành tố chính. Đó là trước khi mang thai, làm thế nào để người phụ nữ tầm soát, phát hiện sớm, dự phòng HIV. Trường hợp đã nhiễm, làm thế nào không mang thai ngoài ý muốn. Khi đã có thai, làm sao dự phòng lây truyền HIV sớm, giúp thai nhi giảm thiểu nguy cơ lây truyền bệnh từ mẹ. Sau sinh, tiếp tục duy trì, điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
Theo các chuyên gia, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai hiệu quả trong cả nước, tuy nhiên, khả năng tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm và dự phòng ở một số nhóm đối tượng, ở một số địa phương còn hạn chế. Thống kê năm 2021, tỷ lệ phụ nữ xét nghiệm HIV trong quá trình sinh con là 67,2%, tức còn khoảng trống nhóm phụ nữ chưa được tầm soát và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Tại TP Cần Thơ, hiện có hơn 5.300 trường hợp nhiễm HIV. Thời gian qua, ngành y tế thành phố chú trọng chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì hệ thống giám sát phát hiện, đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi trên các nhóm nguy cơ cao và cộng đồng; dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); quản lý và điều trị HIV/AIDS, Methadone,… Toàn thành phố có 6 phòng khám ngoại trú người lớn, 1 phòng khám ngoại trú nhi, thực hiện chăm sóc và điều trị HIV/AIDS hơn cho 5.000 người nhiễm. Thành phố cũng duy trì 5 cơ sở điều trị và 5 cơ sở cấp phát thuốc Methadone.
Cũng trong chương trình truyền hình trực tuyến Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, TS.BS Cao Thị Thanh Thủy, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, phụ nữ mang thai nên xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt. Phương pháp xét nghiệm HIV hiện nay là xét nghiệm huyết thanh học. Bản chất của loại xét nghiệm này là để phát hiện sự hiện diện của kháng thể kháng HIV hoặc kháng nguyên HIV trong máu. Những xét nghiệm này hiện đều được bảo hiểm y tế chi trả.
Bộ Y tế đã ra Thông tư hướng dẫn quy định về việc xét nghiệm HIV đối với phụ nữ mang thai. Theo đó, phụ nữ mang thai chưa biết tình trạng nhiễm HIV và đồng ý làm xét nghiệm HIV được chỉ định xét nghiệm HIV trong những lần khám thai định kỳ hoặc khi chuyển dạ, sinh con theo hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai của Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV còn nhiều hạn chế của người dân ở vùng sâu vùng xa, do điều kiện đi lại khó khăn, nguồn lực của y tế cơ sở. Một số bà mẹ thiếu hiểu biết về HIV/AIDS, cùng với tâm lý tâm lý e ngại, sợ kết quả xét nghiệm HIV ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân và gia đình.
TS.BS Cao Thị Thanh Thủy khuyên, đối với phụ nữ mang thai muốn biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, chị em có thể đến các cơ sở y tế gần nhất. Tất cả các cơ sở y tế công từ tuyến quận, huyện, cơ sở y tế tư nhân đều có thể xét nghiệm HIV và bảo mật thông tin của người xét nghiệm.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG