09/09/2010 - 09:19

Qua giám sát xây dựng cơ bản năm 2010

Giải pháp cho nguồn vốn

Thường trực HĐND và Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố vừa tổ chức đợt giám sát công tác xây dựng cơ bản (XDCB) những tháng đầu năm 2010 tại một số quận, huyện. Kết quả cho thấy, công tác XDCB đã có nhiều chuyển biến tích cực, giá trị giải ngân, khối lượng xây dựng công trình đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư hạn chế nên nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện các công trình …

* CHUYỂN BIẾN

Theo tính toán của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 7-2010, giá trị giải ngân vốn XDCB trên địa bàn thành phố được 1.334 tỉ đồng, tăng 65,59% so với cùng kỳ năm 2009. Hai nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân cao là vốn trái phiếu chính phủ (trên 90%) và vốn Chương trình mục tiêu (trên 94%). Tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của thành phố nhìn chung đã có chuyển biến mạnh mẽ. Năm nay, toàn thành phố có 23 công trình trọng điểm, bao gồm 14 công trình chuyển tiếp và 9 công trình khởi công mới, với chỉ tiêu vốn kế hoạch là 712 tỉ đồng. Tính đến hết tháng 7-2010, tổng giá trị khối lượng các công trình thực hiện được 1.060 tỉ đồng, đạt 149% kế hoạch vốn, giá trị giải ngân được 482 tỉ đồng, đạt 67,82%. Nhiều công trình có khối lượng giải ngân vốn được phân bổ năm 2010 cao, như: tuyến giao thông Bốn Tổng – Một Ngàn (100%), đường Cần Thơ - Vị Thanh (100%), đường Mậu Thân – Sân bay Trà Nóc (100%),...

Thi công công trình đường Mậu Thân – Sân bay Trà Nóc. 

Ở các địa phương được Thường trực HĐND thành phố giám sát là quận Cái Răng và các huyện: Phong Điền, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, công tác XDCB đều có nhiều chuyển biến, tiến độ lập hồ sơ, đấu thầu, khởi công, nghiệm thu, quyết toán các công trình xây dựng đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Theo lãnh đạo các địa phương, một trong những nguyên nhân giúp cho công tác XDCB năm 2010 có nhiều thuận lợi là nhờ UBND thành phố đã triển khai kế hoạch, giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2010 cho các quận, huyện, sở ngành sớm. Công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố chặt chẽ, quá trình thực hiện ngành chức năng thường xuyên theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư, quận, huyện tổ chức thực hiện; nhờ đó thành phố kịp thời tháo gỡ, khó khăn vướng mắc, tìm nguồn bố trí thêm vốn cho công tác XDCB... Từ đầu năm đến nay, thành phố đã 10 lần điều chuyển, bổ sung nguồn vốn đầu tư XDCB, do đó từ chỗ chỉ bố trí được 1.676 tỉ đồng lúc đầu năm, đến nay vốn XDCB của thành phố đã tăng lên 3.350 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng kịp thời tham mưu cho UBND, HĐND thành phố điều chuyển vốn giữa các dự án, công trình nhằm tập trung vốn cho dự án, công trình có khối lượng tốt, triển khai thực hiện thuận lợi, đã kích lệ các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Mặt khác, những công trình chậm tiến độ sẽ bị điều chuyển vốn sang công trình khác, nên các chủ đầu tư cũng quyết liệt hơn với các nhà thầu, chủ động tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thúc đẩy thi công các dự án, công trình...

Lãnh đạo các địa phương cũng cho rằng, do năm 2010 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2006-2010) và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm (2001 - 2010); đồng thời, cũng là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và của thành phố, vì vậy các ngành, các cấp của thành phố đã ra sức thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội; trong đó, có công tác XDCB. Mặt khác, năm 2010 thành phố cũng xác định là năm “Tổ chức thắng lợi Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng; kiện toàn hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, nhất là giao thông, thủy lợi, hoàn thiện tiêu chí đô thị loại I; đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới”; việc đẩy mạnh các phong trào thi đua đã tạo thêm động lực để thúc đẩy tiến độ XDCB trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh các dự án, công trình có tiến độ nhanh, trên địa bàn thành phố vẫn còn một số dự án, công trình tiến độ còn chậm, thời gian thi công kéo dài. Cụ thể như công trình cầu qua Cồn Khương, năm 2010 được giao vốn kế hoạch 10 tỉ đồng, nhưng đến cuối tháng 7-2010 mới giải ngân được 1,92 tỉ đồng. Công trình cơ sở hạ tầng khu du lịch Cồn Khương được giao 12 tỉ đồng trong năm 2010, nhưng đến cuối tháng 7, mới giải ngân được 22%;...

* GIẢI PHÁP CHO NGUỒN VỐN...

Kết quả giám sát của Thường trực HĐND và Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố cho thấy, khó khăn lớn nhất mà nhiều địa phương đang gặp phải hiện nay, là có nhiều công trình bức xúc, đã lập dự án đầu tư, nhưng chưa có nguồn vốn để bố trí xây dựng công trình. Ông Phạm Việt Trung, Chủ tịch UBND quận Cái Răng, cho biết: “Mặc dù là một trong những quận trung tâm của thành phố, nhưng quận Cái Răng có xuất phát điểm về kết cấu hạ tầng thấp. Tuy nhiên nguồn vốn XDCB mà thành phố phân bổ cho quận khá hạn hẹp. Nên nhiều công trình bức xúc, nhưng không có vốn để bố trí đầu tư”. Ông Phạm Việt Trung dẫn chứng: Cầu Cái Răng Bé đã xuống cấp nghiêm trọng, chỉ cho xe hai bánh lưu thông, nhưng cây cầu này lại nằm trên tuyến đường huyết mạch để đến Trường Đại học Tây Đô, hiện quy mô gần 10.000 sinh viên. Đây cũng là tuyến đường chính để đến Bệnh viện Đa khoa của quận, hiện sắp hoàn thành và đưa vào sử dụng. Mặc dù, áp lực về giao thông rất lớn, người dân đã nhiều lần phản ánh, quận cũng thấy bất cập này, nhưng đành “bó tay” chờ vốn... Còn ở huyện Vĩnh Thạnh, nhiều công trình trường học đang xuống cấp, hệ thống kinh mương thủy lợi, đường giao thông chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, giao thương... cũng cùng hoàn cảnh chờ vốn...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, chỉ riêng năm 2011, thành phố cần khoảng 7.510 tỉ đồng để đầu tư các công trình bức xúc và các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển. Ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu vốn XDCB, lãnh đạo thành phố đã đề nghị Trung ương xem xét, nâng mức hỗ trợ cho thành phố theo tiêu chí đô thị loại I và tăng cường hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu và nguồn vốn trái phiếu chính phủ để thành phố đầu tư các dự án, công trình phục vụ phát triển, hoàn thành tiêu chí đô thị loại I”. Ông Võ Thành Sang cho biết thêm, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND, HĐND thành phố điều chuyển vốn từ các dự án, công trình chậm triển khai, tiến độ chậm, sang các dự án, công trình có tiến độ tốt, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và giải ngân nguồn vốn...

Để chủ động tạo vốn đầu tư cho các dự án, công trình, nhiều ý kiến đề nghị thành phố thành lập một cơ quan có trách nhiệm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và khai thác quỹ đất, lấy vốn tái đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo ông Dương Tấn Hiển, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, hiện nay, hầu hết các ban giải phóng mặt bằng của các quận, huyện đều đã quá tải, nhân lực ít, nhưng số lượng công trình cần tiến hành giải phóng mặt bằng nhiều. Do vậy, việc thành lập một tổ chức chuyên nghiệp để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng ở các quận, huyện là hết sức cần thiết. Rõ ràng, khi hiện nay, Chính phủ đã cho phép các quận, huyện thành lập Trung tâm Khai thác quỹ đất là đơn vị sự nghiệp, ý tưởng thành lập tổ chức chuyên nghiệp để giải phóng mặt bằng; đồng thời, có kế hoạch khai thác quỹ đất trên địa bàn để lấy vốn tái đầu tư cho các dự án bức xúc ở địa phương cần được thành phố xem xét một cách thấu đáu nhằm chủ động tạo thêm nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội thành phố phát triển.

Bài, ảnh: QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết