19/09/2008 - 20:39

Đồng bằng sông Cửu Long

Giá dầu giảm, ngư dân vẫn lo !

Từ trưa ngày 16-9-2008, giá dầu diesel giảm từ 15.900 đồng/lít xuống còn 15.450 đồng/lít. Đây là một tin vui đối với bà con ngư dân, bởi với mức giảm 450 đồng/lít, ước tính trung bình mỗi chiếc tàu khai thác hải sản sẽ giảm 2-3 triệu đồng tiền dầu cho mỗi đợt ra khơi. Thế nhưng, niềm vui của ngư dân vẫn chưa trọn vẹn...

GỠ RỐI CHO NGƯ DÂN

Ngư dân Nguyễn Văn Sắc, ở ấp Định An, huyện Trà Cú (Trà Vinh) vừa nhận được tiền hỗ trợ dầu, cho biết: “Gia đình tôi có một chiếc tàu công suất 150 CV chuyên làm tàu dịch vụ để vận chuyển tôm cá từ biển vào bờ và vận chuyển dầu, nước đá... ra biển. Vừa qua, chúng tôi được nhận tiền hỗ trợ dầu đợt I là 10 triệu đồng. Những ngày gần đây, giá dầu diesel giảm 450 đồng/lít, trung bình mỗi chuyến đi giảm chi phí được 1,3-1,5 triệu đồng nên chúng tôi rất phấn khởi”. Còn ông Dương Hóc Ánl ở ấp Chợ, xã Định An, huyện Trà Cú, chủ 2 chiếc tàu công suất 150 CV/chiếc, vui vẻ nói: “Gia đình tôi vừa nhận được 20 triệu đồng tiền hỗ trợ dầu của Nhà nước. Đây là nguồn tiếp sức rất có ý nghĩa đối với ngư dân, giúp chúng tôi an tâm đưa tàu ra khơi khai thác. Với mức giá dầu giảm hiện nay, tính khoản tiêu tốn nhiên liệu cho mỗi chuyến biển từ 3.000-5.000 lít dầu thì chi phí đã giảm đáng kể, thậm chí có chuyến biển chúng tôi kiếm tiền lời chưa bằng mức giảm này”.

 Nhiều tàu cá của ngư dân tại cảng cá Gành Hào tạm ngừng hoạt động do giá thủy sản giảm. Ảnh: THANH TÂM 

Ông Tô Duy Đại, Chủ tịch Hội nghề cá TP Rạch Giá (Kiên Giang), nhận định: “Việc giảm giá dầu đã tác động tích cực đến hoạt động khai thác hải sản. Vì nếu tàu nằm bờ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống gia đình ngư dân. Thông thường, mỗi ngư dân phải nuôi đến 3-4 người, trong đó, có trẻ em trong độ tuổi đi học. Chúng tôi cũng mong muốn có sự điều chỉnh và ổn định giá dầu để nghề cá giảm bớt khó khăn, ổn định hoạt động ...”. Theo các ngư dân, mỗi cặp tàu cào đôi tiêu thụ khoảng 65.000 lít dầu/chuyến biển 35-40 ngày, giá dầu giảm 450 đồng/lít góp phần làm giảm chi phí gần 30 triệu đồng/chuyến biển.

Kiên Giang có đội tàu khai thác hải sản lớn nhất cả nước với 7.265 chiếc, tổng công suất gần 1,2 triệu CV. Việc điều chỉnh giá dầu nhiều lần trong thời gian qua đã gây không ít khó khăn cho ngư dân. Nhiều tàu đã phải nằm bờ sau những đợt tăng giá nhiên liệu. Chính sách hỗ trợ giá dầu cho ngư dân của Chính phủ được xem như “cứu cánh” để tạo điều kiện cho ngành khai thác hải sản ổn định hoạt động. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ ngư dân từ năm 2008-2010 là 256,628 tỉ đồng. Hiện nay, Kiên Giang đã giải quyết thủ tục cho 1.172 hộ tại TP Rạch Giá với tổng số tiền hỗ trợ là 14,622 tỉ đồng. Cơ bản đến cuối năm 2008, giải quyết xong thủ tục cho các hộ trong diện này.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết: Tính đến cuối tháng 8-2008, toàn tỉnh đã giải ngân được trên 650 hồ sơ tàu cá của ngư dân, với tổng số tiền trên 3,3 tỉ đồng. Từ nay đến cuối năm 2008, ngành sẽ chỉ đạo giải ngân dứt điểm kinh phí hỗ trợ dầu, bảo hiểm thân tàu, máy tàu cho ngư dân, đồng thời tổ chức thẩm định hồ sơ và giải ngân kinh phí hỗ trợ thay máy, cải hoán và đóng mới tàu cho ngư dân trên địa bàn tỉnh.

Hiện tỉnh Cà Mau cũng đã giải ngân được trên 1.400 hồ sơ hỗ trợ cho ngư dân, chủ yếu về dầu với số tiền trên 21,6 tỉ đồng. Tại tỉnh Bạc Liêu, ngày 18- 9-2008, có trên 740/820 hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ được xét duyệt, với số tiền trên 7,7 tỉ đồng. Huyện Đông Hải và thị xã Bạc Liêu đã giải ngân trên 6,2 tỉ đồng cho ngư dân có phương tiện đánh bắt xa bờ. Bên cạnh đó, có 120 phương tiện được nhận hỗ trợ chi phí bảo hiểm với hai hình thức là bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên. Tuy nhiên, hiện phát sinh nhiều phương tiện xin hỗ trợ nằm ngoài số lượng danh sách được tỉnh phê duyệt ban đầu; một số phương tiện có hình thức khai thác cấm cũng xin được hỗ trợ... nên địa phương lúng túng trong cách giải quyết. Nhiều chủ phương tiện cũng cho biết số lần được xét duyệt ra khơi để nhận được hỗ trợ thấp hơn thực tế, giá cá giảm... nên nhiều chủ tàu gặp khó trong hoạt động khai thác.

NIỀM VUI CHƯA TRỌN!

Anh Nguyễn Văn Hạnh ở ấp Định An, xã Định An, huyện Trà Cú (Trà Vinh), nói: “Gia đình tôi có 4 chiếc tàu chuyên nghề lưới vây (lưới đèn), công suất từ 250-380 CV/chiếc, chi phí dầu cho 4 chiếc tàu khoảng 24.000 lít. Giá dầu giảm 450 đồng/lít, tính ra tiền dầu giảm được trên 10 triệu đồng/chuyến biển. Chúng tôi tham gia tổ - đội khai thác trên biển thay phiên làm tàu dịch vụ còn tiết kiệm được thêm 5 triệu đồng tiền dầu/ chuyến biển. Tuy nhiên, từ hơn một tuần nay, giá các loại hải sản sụt giảm từ 30-50% so với tháng trước. Hiện giá các loại cá nục, cá lù đù, cá mề gà... được các vựa cá mua vào với giá 4.500 đồng/kg trong khi mức giá trước đây là 7.000 đồng/kg; cá lưỡi trâu, cá đuối, cá thu loại lớn giá giảm từ 18.000-20.000 đồng/kg xuống chỉ còn 7.000-8.000 đồng/kg. Với giá cá như hiện nay, chuyến biển này cầm chắc bị thua lỗ. Nhận được tiền trợ giá dầu của Nhà nước cùng với giá dầu giảm nhưng ngư dân miền biển Định An chưa kịp mừng lại đau đáu nỗi lo giá hải sản quá thấp, không thể ra khơi”.

Bà Lê Thị Duyên, ngụ tại khóm 1, thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), cũng băn khoăn: “Gia đình tôi có 2 chiếc tàu cá hiện đang hoạt động đánh bắt ngoài khơi. Có thông tin điện từ biển về cho gia đình biết hiện đang vào vụ cá nam, thời tiết biển tương đối thuận lợi, sản lượng khá. Nhưng hiện nay giá các loại hải sản giảm chỉ còn khoảng 50% so với đầu tháng 9-2008, chuyến biển này huề vốn là mừng rồi. Bởi vì theo chủ các vựa cá, hiện nay sản lượng đánh bắt của ngư dân tăng khá cao, trong khi thị trường tiêu thụ và xuất khẩu gặp khó khăn nên giá các loại hải sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới”.

Ông Trang Văn Ngào, Phó Chủ tịch UBND xã Định An, huyện Trà Cú (Trà Vinh), trăn trở: “Xã Định An hiện có trên 230 phương tiện đánh bắt thủy sản, chiếm trên 90% số tàu của toàn huyện. Trong đó, có 52 chiếc tàu chuyên đánh bắt xa bờ, với công suất từ 100-450 CV/chiếc. Vừa qua, có một số tàu sau chuyến khai thác mặc dù đạt sản lượng khá, nhưng hiệu quả không cao do giá hải sản giảm mạnh. Vì vậy, một số tàu chưa muốn ra khơi đánh bắt trở lại mà đang trông chờ giá hải sản tăng trở lại. Dù cho giá dầu có giảm, nhưng các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho tàu đi đánh bắt vẫn ở mức cao, nhiều ngư dân chưa mạnh dạn ra khơi vì sợ bị thua lỗ”.

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bạc Liêu, hơn 1 tuần qua, do ảnh hưởng thời tiết xấu, biển động, giá các loại thủy hải sản giảm mạnh làm cho 80% tàu thuyền khai thác thủy sản ở Bạc Liêu tạm ngừng hoạt động. Hiện tại cảng cá Gành Hào, huyện Đông Hải, giá các loại thủy hải sản giảm mạnh. Anh Lê Văn Phú, chủ phương tiện đánh bắt thủy sản ở Gành Hào, huyện Đông Hải, than thở: “Khoảng một năm qua, tất cả các chi phí đi biển đều tăng, ngay cả mặt hàng lưới, ngư cụ giá đã tăng gấp đôi. Với giá thu mua thủy sản của các chủ vựa như hiện nay, chủ tàu không có lãi. Vì vậy đành phải cho tàu nằm bờ”.

Tại cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, giá cá ngừ chỉ còn 14.000 đồng/kg so với mức 21.000-22.000 đồng/kg vào thời điểm đầu tháng 8-2008. Giá các loại cá biển bán phổ biến ở chợ cũng giảm trên 50%, từ 13.000-14.000 đồng/kg nay chỉ còn 6.000 đồng/kg. Cá sô các loại cũng giảm giá trên 30%; cá phân cũng giảm từ 3.000 đồng/kg xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg.

NHÓM PV-CTV

Chia sẻ bài viết