09/07/2018 - 07:19

Gập ghềnh tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên 

Đã có những thông điệp khác nhau, thậm chí trái ngược, được phát đi từ Washington và Bình Nhưỡng về kết quả chuyến công du Triều Tiên của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Tối 7-7, tức chỉ vài giờ sau khi ông Pompeo lạc quan nói với báo giới rằng cuộc đàm phán về chi tiết của tiến trình phi hạt nhân hóa là “hữu ích” và “tiến triển trên mọi khía cạnh”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã lên tiếng chỉ trích thái độ kiểu “dân anh chị” (gangster) của Washington. “Phía Mỹ chỉ đưa ra những đòi hỏi phi hạt nhân hóa đơn phương mang phong cách gangster... Họ đã phản bội tinh thần của cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore ngày 12-6 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un”, lời lẽ bực tức trong tuyên bố được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA phát đi. Bình Nhưỡng cũng cho rằng cách tiếp cận của Nhà Trắng hiện nay không khác gì so với các chính phủ tiền nhiệm và đã đưa hai nước tới “giai đoạn nguy hiểm”, có thể “làm lung lay quyết tâm phi hạt nhân hóa của chúng tôi”.

Nhận định về việc “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” này, một số nhà phân tích quan ngại đây là chỉ dấu cho thấy tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên sẽ gặp nhiều trắc trở. Trong khi đó, những người khác lại tin rằng đây chỉ là thủ thuật đàm phán của Bình Nhưỡng.

Nhưng dụng ý của Bình Nhưỡng là gì đi nữa thì  phản ứng mới nhất của họ cũng gây bối rối cho Ngoại trưởng Mỹ, người nhiều lần khẳng định lãnh đạo Triều Tiên đã cam kết với cá nhân ông rằng sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Và đây là lần đầu tiên trong 3 chuyến công du gần đây, ông Pompeo đã không có cuộc gặp ông Kim như dự kiến. Đáp lại tuyên bố của Bình Nhưỡng, ông Pompeo hôm qua khẳng định nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên nhận được sự ủng hộ của toàn bộ cộng đồng quốc tế. “Nếu những đòi hỏi đó giống gangster thì cả thế giới là gangster, bởi có sự đồng thuận tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về cái cần đạt được”, Ngoại trưởng Mỹ nói tại Tokyo sau cuộc gặp với hai người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc (ảnh).

Thật ra, từng có nghi ngờ về sự lạc quan quá sớm của Washington trong đàm phán với Bình Nhưỡng. Còn nhớ Tổng thống Trump đã mạnh mẽ tuyên bố Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân ngay sau cuộc gặp với ông Kim hồi trung tuần tháng 6, dù hai bên thậm chí chưa nhất trí với nhau khái niệm phi hạt nhân hóa là gì.

Theo quan điểm của Mỹ, khái niệm này chỉ việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID). Trong khi đó, nhiều người lo ngại Bình Nhưỡng có thể hiểu khác, tức chỉ xem như “ngừng chương trình hạt nhân” hay “tạm cất vũ khí hạt nhân khi không dùng đến”. Hai bên cũng bất đồng trong cách thức tiến hành. Triều Tiên muốn phi hạt nhân hóa từng giai đoạn và “đồng bộ”, nghĩa là Mỹ phải dỡ bỏ cấm vận theo từng bước tương ứng. Trong khi đó, Washington  tuyên bố chiến dịch “gây áp lực tối đa” sẽ tiếp diễn cho đến khi Bình Nhưỡng hoàn tất tiến trình giải giáp hạt nhân.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton mới đầu tuần rồi còn háo hức cho rằng Triều Tiên có thể hoàn tất “phần lớn” công việc phi hạt nhân hóa trong vòng một năm. Ngoại trưởng Pompeo thì tỏ ra thận trọng hơn, ước chừng nó sẽ kéo dài đến cuối nhiệm kỳ đầu của ông Trump, tức khoảng 2 năm rưỡi nữa. Tuy nhiên, với tuyên bố cứng rắn hôm thứ bảy của Bình Nhưỡng, tiến trình phi hạt nhân hóa xem ra khó có thể kết thúc sớm như vậy nếu hai bên không có thêm thiện chí và nhượng bộ trong các cuộc đàm phán sắp tới.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết