13/06/2021 - 18:18

G7 chia rẽ vì Trung Quốc 

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên đã phần nào thành công trong nỗ lực xây dựng mặt trận thống nhất đối phó với một Trung Quốc đang lên và được xác định là đối thủ mới của phương Tây. Chẳng hạn tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Anh hồi cuối tuần qua, Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã công bố sáng kiến mang tên “Build Back Better World” (tạm dịch “Tái thiết thế giới tốt hơn”) để làm đối trọng với dự án “Vành đai, Con đường” của Bắc Kinh.

Thủ tướng Đức Merkel (phải) chưa thật nhất trí với Tổng thống Mỹ Biden (trái) trong cách ứng phó Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, trong cách tiếp cận vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, giữa các nước thành viên “Câu lạc bộ nhà giàu” này còn tồn tại nhiều khác biệt. Theo báo Politico, trong khi Mỹ, được sự ủng hộ của Anh và Canada, quyết liệt muốn nêu đích danh Trung Quốc cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc thiểu số khác ở Tân Cương trong thông cáo chung của hội nghị thì Ðức và Ý tỏ ra lưỡng lự. “Một mặt, chúng ta biết rằng hệ thống xã hội của các nước G7 và Trung Quốc là khác nhau. Chúng ta chỉ trích vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, có thể ở Tân Cương hay những hạn chế tự do tại Hong Kong… Nhưng mặt khác, chúng ta cũng có mối quan hệ hợp tác (với Trung Quốc) trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và thương mại tự do”, Thủ tướng Ðức Angela Merkel nhắc nhở. Còn thái độ của Ý cũng có thể đoán được bởi đây là thành viên duy nhất trong G7 tham gia “Vành đai, Con đường”. Năm ngoái, Ý từng công khai trách móc các láng giềng châu Âu khi nhận được khẩu trang và máy thở Trung Quốc tặng giữa đỉnh điểm dịch COVID-19.

Pháp về cơ bản tán thành việc lên án Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, nhưng lại không ủng hộ chiến lược tổng thể của Washington đối với Bắc Kinh. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng khẳng định châu Âu sẽ không theo mong muốn mà ông gọi là “trở lại thời kỳ Chiến tranh lạnh” của người đồng cấp Mỹ Biden. Chủ nhân Ðiện Élysée tuyên bố châu Âu sẽ duy trì sự độc lập trong xây dựng quan hệ với Trung Quốc với một chính sách “không lệ thuộc vào Trung Quốc lẫn Mỹ”. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) với kim ngạch song phương 586 tỉ euro hồi năm ngoái, trong khi Mỹ đứng thứ hai với 555 tỉ euro. Thế nên cũng dễ hiểu khi Brussels khó xác định Bắc Kinh là đối tác, đối thủ, kẻ thù hay mối đe dọa an ninh trực tiếp.

Nhận định về hội nghị thượng đỉnh vừa kết thúc, tờ Politico cho rằng Tổng thống Mỹ Biden đã nỗ lực đẩy các thành viên khác của G7 đi xa hơn mức họ mong muốn.

Hôm nay 14-6, ông Biden sẽ đến Bỉ dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO). Dự kiến hội nghị sẽ ra tuyên bố, trong đó các thành viên khối quân sự này lần đầu tiên đề cập “thách thức an ninh từ Trung Quốc”. Ðược biết, NATO ra đời năm 1949 với mục tiêu đối đầu Liên Xô (cũ) trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. NATO hiện có 30 quốc gia thành viên, trong đó có một số nước được cho là khá “thân thiện” với Trung Quốc, chẳng hạn như Hungary. Thế nên việc ra tuyên bố nhằm vào Trung Quốc chưa chắc nhận được sự đồng thuận từ tất cả các thành viên.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết