12/10/2008 - 08:31

G-7 hợp tác đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu

* Mỹ lên kế hoạch đầu tư vốn trực tiếp vào các ngân hàng

(TTXVN)- Các Bộ trưởng Tài chính và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương của Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G-7) ngày 10-10 đã công bố kế hoạch hành động nhằm đối phó với cuộc khủng khoảng tài chính trầm trọng nhất trong hơn nửa thế kỷ qua, trong đó khẳng định sẽ “hành động kiên quyết và sử dụng mọi công cụ có thể” để hỗ trợ các thể chế tài chính lớn và ngăn ngừa trục trặc tại những thể chế này.

Thông cáo do Bộ Tài chính Mỹ công bố nêu rõ: “G-7 nhất trí rằng tình hình hiện nay đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp và đặc biệt. G-7 cam kết tiếp tục hợp tác để bình ổn các thị trường tài chính và khôi phục luồng tín dụng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu”.

Tổng thống Mỹ Bush phát biểu sau cuộc gặp các Bộ trưởng Tài chính G-7. Ảnh: Reuters 

Trong kế hoạch hành động gồm 5 điểm, các nước G-7 cam kết kiên quyết dùng mọi biện pháp để bảo vệ, ngăn chặn tình trạng phá sản của các ngân hàng lớn; làm tất cả để giải ngân tín dụng cho phép các ngân hàng và các thể chế tài chính được tiếp cận rộng rãi với nguồn vốn và tiền mặt; ủng hộ những nỗ lực của các ngân hàng trong việc huy động lượng tiền mặt từ các nguồn cá nhân lẫn công cộng để có thể tiếp tục cho các hộ gia đình và doanh nghiệp vay; bảo vệ những người gửi tiền trong ngân hàng và phục hồi thị trường tài chính thế chấp đổ vỡ; và cuối cùng, G-7 cam kết khởi động lại thị trường tín dụng thế chấp, nơi bắt nguồn của cuộc khủng hoảng làm chao đảo Phố Wall và thị trường tài chính toàn cầu hiện nay.

Tuyên bố trên được đưa ra khi các Bộ trưởng Tài chính và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương của 7 nước gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Italia và Canada nhóm họp tại Washington nhằm khôi phục lòng tin của giới đầu tư sau một tuần chứng kiến thị trường chứng khoán toàn cầu “phá sản” cũng như nhằm tìm kiếm giải pháp đối phó với “cơn bão” tài chính ngày càng trầm trọng.

Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson cho biết Chính phủ Mỹ sẽ hành động trước tiên, thông qua kế hoạch mua lại cổ phiếu của các ngân hàng và thể chế tài chính. Chính quyền của Tổng thống George Bush đã được Quốc hội Mỹ cho phép dùng số tiền 700 tỉ USD giải cứu tài chính để mua trực tiếp các cổ phiếu của những ngân hàng gặp khó khăn do khủng hoảng nợ xấu.

* Lần đầu tiên kể từ sau cuộc Đại suy thoái (1929-1933), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Paulson ngày 10-10 thông báo chính phủ nước này có kế hoạch đầu tư trực tiếp vào các ngân hàng. Đây được xem là hành động mở rộng kế hoạch giải cứu thị trường tài chính trị giá 700 tỉ USD mà Chính phủ Mỹ vừa thông qua hồi tuần trước trong nỗ lực ngăn chặn sự sụp đổ của các ngân hàng Mỹ.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Paulson khẳng định sẽ thực hiện kế hoạch mua lại tài sản thế chấp của các ngân hàng “một cách hiệu quả và trong thời gian sớm nhất có thể”. Ông nhấn mạnh việc làm này sẽ giúp “sử dụng tiền đóng thuế của người dân một cách hiệu quả và mang lại lợi ích thực tế hơn”.

Theo các nhà phân tích, quyết định này cho thấy Bộ Tài chính Mỹ muốn đầu tư trực tiếp vào các ngân hàng không có khả năng hút các nguồn vốn mới từ các nhà đầu tư tư nhân. Kế hoạch giải cứu thị trường tài chính trị giá 700 tỉ USD đã được thông qua tuần trước tập trung vào vấn đề tính thanh khoản của các ngân hàng thông qua đề nghị mua lại các khoản nợ khó đòi của những ngân hàng đang bị chao đảo bởi cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

Theo ông Paulson, việc thực thi kế hoạch giải cứu thị trường sẽ mất nhiều thời gian bởi tính phức tạp của vấn đề, tuy nhiên các quan chức Mỹ đang làm việc “suốt ngày đêm” để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Ông Paulson cũng cảnh báo những đợt mua tài sản xấu đầu tiên có thể sẽ mất vài tuần để tiến hành và không đưa ra bất cứ thời gian biểu nào cho chương trình mua các tài sản cầm cố.

Ông Paulson cũng cho rằng những nỗ lực đối phó với khủng hoảng tài chính cần nằm trong sự hợp tác với G-7, đồng thời khẳng định những cổ phần được chính phủ mua sẽ không nằm trong số những cổ phần chi phối. Động thái này cũng đã được nhà chức trách Anh đưa ra, theo đó chính phủ sẽ bơm lượng vốn cần thiết để tháo gỡ những khó khăn trên thị trường tín dụng hiện nay, đổi lấy một số lượng cổ phần đặc biệt của các ngân hàng.

Trong một diễn biến liên quan khác, Chính phủ Canada ngày 10-10 thông báo kế hoạch chi 25 tỉ đô-la Canada (CAD, tương đương 21,4 tỉ USD) để mua lại các khoản cho vay đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của các ngân hàng trong nước. Đây được xem là một nỗ lực nhằm duy trì khả năng thanh toán tín dụng, cho phép các ngân hàng giành được các khoản vốn tín dụng dài hạn.

Chia sẻ bài viết