 |
Tổng thống Pháp vẫn chưa thuyết phục được Thủ tướng Đức về chương trình trái phiếu euro. Ảnh: Reuters |
Lãnh đạo của 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 23-5 đã bắt đầu nhóm họp tại Brussel (Bỉ) nhằm tìm kiếm giải pháp đối với cuộc khủng hoảng nợ công, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng cho khu vực. Cuộc họp thượng đỉnh này tập trung thảo luận về đề xuất phát hành trái phiếu chung của Khu vực đồng euro (Eurozone) và khả năng chúng có thể xoa dịu cuộc khủng hoảng nợ suốt 2 năm qua.
Cuộc họp lần này diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và bế tắc chính trị tại Hy Lạp có nguy cơ khiến nước này phải rời khỏi Eurozone. Chi phí vay mượn ở hầu hết các nước mắc nợ thì tăng cao. Hàng loạt các báo cáo và dự đoán cho rằng các nhà đầu tư và người gửi tiết kiệm lo lắng về tình hình tài chính của khu vực đang rút tiền gửi của họ ra khỏi các ngân hàng bị đánh giá là yếu. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt khi cuộc suy thoái tràn lan gần một nửa thành viên của Eurozone. Hôm 22-5, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo EU rằng đồng euro đang có nguy cơ rơi vào “cuộc suy thoái nghiêm trọng” và kêu gọi các chính phủ và Ngân hàng Trung ương châu Âu hãy hành động nhanh chóng để không kéo theo sự lao dốc của nền kinh tế toàn cầu.
Hội nghị cũng là lần họp đầu tiên trước EU của tân Tổng thống Pháp Francois Hollande. Trong lần “ra mắt” này, ông Hollande nói về đề xuất phát hành trái phiếu euro, cho phép những nước thành viên EU gặp khó khăn khi vay mượn trên thị trường có thể dễ dàng tiếp cận các khoản vay nhờ được các nước thành viên khác bảo lãnh. Chương trình thí điểm sử dụng nguồn vốn trị giá 230 triệu euro sẽ diễn ra đến năm 2013 và nếu thành công có thể thu hút được nguồn đầu tư mới trị giá đến 4,6 tỉ euro. Ông Hollande kỳ vọng sẽ có được ủng hộ từ Thủ tướng Ý Mario Monti, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cùng một số lãnh đạo khác. Báo cáo của EC công bố tháng 11-2011 đã gọi trái phiếu Khu vực đồng euro là “trái phiếu ổn định” và việc phát hành không thể bị trì hoãn nữa khi cuộc khủng hoảng tại Khu vực đồng euro đã trở nên nghiêm trọng hơn, đòi hỏi phải có những hành động nhanh chóng hơn. Ông Olli Rehn, Ủy viên châu Âu về các vấn đề kinh tế, hôm 22-5 ủng hộ chương trình trái phiếu euro, cho rằng đã đến lúc vạch ra “lộ trình” cho các bước thủ tục pháp lý và tài khóa cần thiết để có thể phát hành trái phiếu euro trong những năm tới.
Tuy nhiên, ý tưởng phát hành trái phiếu chung gây nhiều tranh cãi hơn hai năm nay và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức, nền kinh tế lớn nhất Eurozone. Việc thảo luận về chương trình trái phiếu được cho là nỗ lực để “trung hòa” giữa chính sách “thắt lưng buộc bụng” và các biện pháp kích thích tăng trưởng. Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ thay đổi lập trường phản đối của mình. Bà từng cho rằng đề xuất này chỉ có thể bàn tới khi châu Âu có sự liên minh tài chính mật thiết nhiều hơn. Quan điểm này của bà được Hà Lan, Phần Lan, Áo và một số nước nhỏ của Eurozone tán đồng. Hồi đầu tuần này, Thứ trưởng Tài chính Đức Steffen Kampeter cũng nhấn mạnh: “Trái phiếu euro sẽ là liều thuốc sai lầm với nhiều tác dụng phụ khi đưa ra sai thời điểm”.
Bên cạnh vấn đề trái phiếu chung, nhiều nhà kinh tế đề xuất các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có việc giảm tác phong quan liêu trong các doanh nghiệp nhỏ, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công nhân có thể tìm việc trong toàn Eurozone và xóa bỏ những rào cản mà các nước dựng nên để bảo vệ nền công nghiệp riêng của nước mình. Cũng có đề nghị nên tăng gấp đôi nguồn vốn cơ bản góp vào Ngân hàng Đầu tư châu Âu, một “cánh tay tài chính” của EU. Điều này sẽ giúp tăng sức bật của cơ quan này và giúp “giải phóng” đến 180 tỉ euro tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Một số nhà kinh tế thậm chí đề nghị các chính phủ nên tăng chi tiêu khi các nền kinh tế suy yếu và kiềm chế thâm hụt ngân sách là mục tiêu dài hạn.
THUẬN HẢI (Theo Reuters, AP, AFP)
Trong bản báo cáo mới nhất về Triển vọng kinh tế thế giới được công bố ngày 22-5, OECD cảnh báo khủng hoảng tại Eurozone đang đe dọa nền kinh tế thế giới.
OECD dự đoán kinh tế Eurozone không tăng trưởng trong năm 2012 mà thậm chí còn giảm 0,1% và là nguy cơ lớn nhất hiện nay đe dọa tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Theo các nhà phân tích kinh tế, báo cáo này được công bố một ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU đã góp phần tăng sức ép đối với lãnh đạo các nước thành viên phải bỏ qua những bất đồng, có hành động kịp thời và hữu hiệu để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone hiện nay và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của châu lục và thế giới. |