26/03/2022 - 19:39

Đường lối của EU vẫn mơ hồ

Nằm trong chuỗi hoạt động ngoại giao đặc biệt sôi nổi của lãnh đạo phương Tây, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã không thông qua được quyết định lớn nào, dù có sự hiện diện lần đầu tiên trong lịch sử của một tổng thống Mỹ.

Chỉ chưa đầy 5 tuần lễ, EU đã phải tổ chức đến 3 cuộc họp thượng đỉnh. Tần suất gặp nhau dày đặc của các nhà lãnh đạo, chưa kể các cuộc điện đàm và các khuôn khổ trao đổi theo nhóm nhỏ giữa nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên, cho thấy sức nóng mà cuộc khủng hoảng Ukraine đang phả sang khắp châu Âu. Đặc biệt, với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Hội nghị thượng đỉnh EU và những sự kiện khác là màn phô diễn sự gắn kết của phương Tây giữa lúc môi trường an ninh quốc tế đứng trước thách thức rất lớn. Thế nhưng, ngoại trừ việc thông qua bản Định hướng chiến lược, những kết luận của hội nghị vẫn còn tương đối mơ hồ. 

Về bản Định hướng chiến lược của EU, đây là văn kiện rất quan trọng đánh giá những thách thức mà EU phải đối phó, vạch ra đường lối an ninh quốc phòng của cả khối từ nay đến 2030. Văn kiện này được soạn thảo với sự chủ trì của Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Jossep Borrell, đặt ra mục tiêu thành lập một lực lượng chung của EU có quân số 5.000 người, có khả năng triển khai nhanh trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng quốc tế lớn. Chiến lược cũng vạch ra một số nét chính để củng cố khả năng đối phó với các cuộc tấn công tin học, sử dụng hiệu quả năng lực quân sự của EU phù hợp với các yêu cầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Quá trình xem xét tại cuộc họp chỉ có ý nghĩa thủ tục vì đã được các ngoại trưởng thông qua ngày 21-3, đúng theo thời gian biểu được xác định từ rất lâu trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Việc văn kiện được ban hành một cách gấp gáp giữa lúc kết cục cuộc chiến chưa rõ ràng, cũng như ảnh hưởng của văn kiện đối với tương lai cấu trúc an ninh châu Âu và thế giới còn nhiều ẩn sổ khiến cho nhiều người hoài nghi liệu Định hướng chiến lược có đủ tầm để vạch ra hướng đi phù hợp cho EU hay không. 

Một trong những điều đáng tiếc là EU đã không nhất trí được giải pháp để xử lý tình trạng giá năng lượng  leo thang thời gian qua, gây ra những tác động lớn. Có thể thấy rõ sự chia rẽ mạnh mẽ trong vấn đề năng lượng. Xu hướng tăng giá năng lượng, những hệ lụy của nó đến lạm phát, tăng trưởng kinh tế và đặc biệt là khó khăn trong việc tìm nguồn cung phù hợp là những nguyên nhân quan trọng khiến cho lãnh đạo EU khó đạt được sự đồng thuận cần thiết để tiếp tục thắt chặt các biện pháp gây sức ép đối với Nga, chủ đề quan trọng của hội nghị.

Được cảnh báo từ vài năm trước, song nhiều nước châu Âu đã không thay đổi chính sách năng lượng mà quyết dựa hẳn vào Nga. Khoảng  41% khí đốt và gần 30% dầu mỏ tiêu thụ tại châu Âu nhập từ Nga, những bức tranh không hoàn toàn đồng nhất. Nếu như Đan Mạch, Thụy Điển, Ireland, Áo, Croatia hoàn toàn không cần nguồn cung này, thì có những nước như Litva, Estonia, Romania, Slovenia, Bulgaria phụ thuộc 100%, hoặc Đức, Ba Lan, Phần Lan, CH Séc, Hungary phải nhập khẩu trên 50%.

Từ sau khi nổ ra xung đột ở Ukraine, EU đã phải thanh toán cho Nga gần 17 tỉ euro hóa đơn năng lượng, cao hơn mức bình thường. Dù đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 đã “chết lâm sàng” do bị phương Tây trừng phạt, Dòng chảy phương Bắc 1 đi theo biển Baltic để tránh Ukraine vẫn hoạt động bình thường trong điều kiện xung đột, mỗi ngày vận chuyển 170 triệu mét khối khí. 

Những con số khổng lồ đó cho thấy EU đã gặp khó khăn đến chừng nào và buộc phải né tránh đặt ra thời gian biểu cụ thể loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch từ Nga. Các nhà lãnh đạo mới chỉ đạt được giải pháp tối thiểu nhằm hỗ trợ các nước đối phó với sự leo thang của giá khí đốt, với việc quyết định EU sẽ đứng ra mua chung các sản phẩm khí đốt, tạo ra sức mạnh tập thể để buộc các nhà cung cấp phải giảm giá. Quyết định này tương tự như việc EU đứng ra thương lượng mua chung vaccine phòng COVID-19 sau đó phân phối cho từng nước. 

Trước mắt, Mỹ sẽ tăng nguồn cung khí hóa lỏng sang châu Âu. Trong tuyên bố chung đưa ra ngày 25-3, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen thông báo Mỹ sẽ cung cấp cho EU ít nhất 15 tỉ mét khối  khí hóa lỏng bằng các tàu chở chuyên dụng và có thể cao hơn trong năm 2022. Con số này rất nhỏ bé so với nhập khẩu từ Nga, ước tính khoảng 155 tỉ mét khối mỗi năm. EC đang hết sức cố gắng để tăng cường tiếp cận các nguồn cung khác, từ Úc, Mỹ Latinh cho đến Qatar để tăng khối lượng nhập khẩu khí hóa lỏng lên 50 tỉ mét khối. Về dài hạn, EU sẽ đẩy nhanh triển khai các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, khí methan, đồng thời tăng cường tiết kiệm năng lượng, cắt giảm tiêu thụ. Tuy nhiên, đó là câu chuyện lâu dài, còn ngay lúc này, không ít ý kiến cho rằng bài toán nguồn cung năng lượng đã khiến EU chạm đến giới hạn cuối cùng trong trừng phạt Nga.

TIẾN NHẤT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết