22/03/2016 - 09:18

Đột quỵ, xuất huyết não: Cấp cứu sớm, điều trị khỏi, hồi phục tốt

 Bệnh nhân hồi phục sau can thiệp hút huyết khối.

Khi người thân có các triệu chứng: đột ngột ngất xỉu, thay đổi tri giác, mất ý thức, không nói được, yếu liệt tay chân, hôn mê,… cần nghĩ đến ngay bệnh lý đột quỵ, xuất huyết não. Trước 6 giờ đầu sau khi khởi phát các triệu chứng, hãy nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện (BV) để được cấp cứu kịp thời, điều trị hiệu quả, khả năng phục hồi cao.

* 6 giờ vàng

Bệnh nhân L.M.H. (56 tuổi), được người nhà phát hiện thay đổi tri giác đột ngột và liệt nửa người phải, được đưa vào BV Trường Đại học Y dược (ĐHYD) Cần Thơ vào giờ thứ 5, khoảng 4 - 5 tiếng kể từ lúc khởi phát. Qua đánh giá lâm sàng thấy liệt nửa người, mất ngôn ngữ, tri giác lơ mơ, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não cấp do huyết khối. Sau khi bàn bạc với gia đình phương án điều trị, các bác sĩ chụp DSA kiểm tra và thực hiện thủ thuật can thiệp điều trị. Hình ảnh chụp DSA có biểu hiện của tắc đoạn động mạch não giữa bên phải do huyết khối. Do các mạch máu xơ vữa và ngoằn ngoèo, sau hơn 1 giờ thực hiện thủ thuật, luồn các ống thông vào vị trí có huyết khối và tiến hành hút nhiều lần, ê kíp hút thành công và tái lập gần như hoàn toàn dòng máu qua đoạn tắc. Sau thủ thuật, bệnh nhân tiếp tục được điều trị nội khoa, chăm sóc tích cực. Sau 24 giờ, bệnh nhân cải thiện tri giác, nói được, tiếp xúc tốt, vận động tay chân gần như hồi phục, tự đi lại được.

Đó là trường hợp điển hình trong số hơn 20 trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh lý về não được các bác sĩ BV Trường ĐHYD Cần Thơ phẫu thuật can thiệp mạch não, điều trị thành công, tỷ lệ hồi phục cao, bệnh nhân có thể tái hòa nhập cuộc sống, sinh hoạt bình thường.

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Vũ Đằng, phụ trách đơn vị Can thiệp mạch não BV Trường ĐHYD Cần Thơ, khuyến cáo, nếu như thấy người thân bị đột ngột liệt tay chân, ngất xỉu, mất ý thức, không nói được…, chuyển ngay bệnh nhân đến Khoa cấp cứu hoặc gọi điện trực tiếp BV Trường ĐHYD Cần Thơ để được chẩn đoán và can thiệp sớm. Những bệnh nhân khi có đột quỵ não nên nhập viện càng sớm càng tốt, tốt nhất trước 6 tiếng kể từ lúc khởi phát, khi đó, việc thực hiện thủ thuật mới có thể giúp bệnh nhân có cơ hội hồi phục hoàn toàn các chức năng não, tránh tàn phế hoặc giúp cải thiện tình trạng thương tổn tế bào não, giảm thiểu di chứng nặng. Tránh các trường hợp làm theo dân gian như cạo gió, nặn củ sả,… vào miệng người bệnh, làm mất đi thời gian vàng quý giá để cứu sống người bệnh.

* Thêm cơ hội sống và hồi phục cho bệnh nhân đột quỵ

Bác sĩ CKII Lại Văn Nông, Phó Giám đốc BV Trường ĐHYD Cần Thơ, cho biết, tháng 9 năm 2015, BV Trường ĐHYD Cần Thơ đưa vào hoạt động hệ thống máy chụp mạch xóa nền DSA, với nhiều đột phá mới trong kỹ thuật điều trị các bệnh lý về tim mạch. BV đi đầu triển khai kỹ thuật mới (các BV khác trong vùng ĐBSCL chưa thực hiện) như: can thiệp mạch máu não, xử trí điều trị các trường hợp: nhồi máu não, tắc mạch máu não (đột quỵ) và tổn thương mạch máu não (xuất huyết não)… giúp người dân trong vùng tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao.

Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại thì các bệnh lý não ngày càng tăng, với di chứng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao, gây gánh nặng kinh tế rất lớn cho gia đình và xã hội. Đột quỵ não là bệnh lý nặng, có thể do chảy máu trong sọ não hoặc do tình trạng thiếu máu não. Tỷ lệ mắc bệnh ở Việt Nam hiện nay là 50 người/100.000 dân. Theo số liệu thống kê ở Mỹ, cứ 4 phút có 1 người tử vong do đột quỵ não.

Nhồi máu não: gần 90% là đột quỵ nhồi máu não, do tình trạng mạch máu bị tắc, không cung cấp máu được cho tế bào não, gây chết các tế bào não. Khi mất cung cấp máu, mỗi phút >1,5 triệu tế bào não chết. Nguyên nhân hẹp tắc mạch não do xơ vữa, lấp mạch não do huyết khối, co thắt mạch, viêm mạch…; Triệu chứng: đột ngột xỉu, thay đổi tri giác, mất ý thức, không nói được, liệt tay chân, hôn mê… Di chứng nặng nề: liệt tay, chân, mặt, không nói được, tri giác thay đổi, lú lẫn, hôn mê, tử vong.

Trước đây, người bệnh vùng ĐBSCL không may đột quỵ nhồi máu não chỉ điều trị hỗ trợ, hoặc chuyển lên tuyến trên, tuy nhiên, cơ hội hồi phục và sống sót thấp. Từ khi BV Trường ĐHYD Cần Thơ triển khai can thiệp mạch não, mở ra cơ hội mới cho người bệnh trong vùng. Sau khi chụp CT scan xác định, nếu đột quỵ do huyết khối lấp mạch, tiến hành hút huyết khối; nếu đột quỵ do hẹp động mạch thì can thiệp nong mạch, đặt stent; nếu đột quỵ do xuất huyết trong não thì tùy nguyên nhân sẽ tiến hành can thiệp cầm máu. Đơn vị can thiệp mạch não BV Trường ĐHYD Cần Thơ thành lập đến nay gần 6 tháng, đã can thiệp mạch não khoảng 20 ca, gồm các trường hợp bị hẹp mạch máu, chảy máu não và nhồi máu não, rò mạch máu não - xoang hang… Can thiệp nội mạch điều trị nhồi máu não là phương pháp mới, được thực hiện đầu tiên ở BV Trường ĐHYD Cần Thơ, là phương pháp điều trị kỹ thuật cao, mang lại niềm hy vọng đối với những bệnh nhân đột quỵ, mà trước đây bệnh nhân gần như vô vọng trong hồi phục các chức năng vận động.

Người bệnh thuộc diện bảo hiểm y tế, khi điều trị, thực hiện thủ thuật can thiệp mạch não được thanh toán theo quy định. Tuy nhiên, đối tượng không có bảo hiểm y tế, chi phí điều trị là vấn đề hết sức khó khăn có khi trên 100 triệu đồng/ ca.

* Phòng bệnh trước

Thông điệp của BV Trường ĐHYD Cần Thơ:

Nếu người thân bị liệt nửa người đột ngột, hãy gọi cho chúng tôi càng sớm càng tốt: 094 409 3977

Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, một số đối tượng nguy cơ cần tầm soát các bệnh lý về não gồm: người cao tuổi (trên 60 tuổi); có biểu hiện hay quên, choáng váng, chóng mặt, nhức đầu kéo dài, tê yếu tay chân, đó là những biểu hiện của thiếu máu cung cấp lên não; mắc bệnh lý mãn tính như tăng mỡ máu, tiểu đường, cao huyết áp, có bệnh lý xơ vữa mạch ngoại biên... Các bác sĩ BV Trường ĐHYD Cần Thơ sẽ lựa chọn các phương pháp kiểm tra, có thể siêu âm mạch máu kiểm tra nhẹ nhàng; chụp CT Scan mạch máu cản quang, chụp Cộng hưởng từ (MRI) não hoặc chụp mạch máu xóa nền (DSA), giúp tầm soát bệnh hiệu quả.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết