Tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao giữa Nhật Bản và 5 quốc gia Trung Á tại Thủ đô Tokyo mới đây, chính phủ nước chủ nhà cam kết dành 700 triệu USD tài trợ cho các dự án thúc đẩy thương mại, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phòng ngừa thảm họa thiên tai và hợp tác khu vực vì sự ổn định của Afghanistan. Đây là khoản tiền có ý nghĩa nếu biết rằng nước Nhật đang đối mặt với núi nợ công cao và nền kinh tế trì trệ, suy thoái.
Tuy nhiên, khoản viện trợ trên lại mang tính biểu tượng, bởi nó tương đương với giá trị nhập khẩu các loại đất hiếm bị cắt giảm từ Trung Quốc trong năm 2011. Đất hiếm là nguyên liệu đặc biệt quan trọng đối với nền công nghiệp phát triển hiện đại của Nhật Bản. Nó không chỉ được dùng vào mục đích công nghệ dân sự như máy tính, xe hơi "lai", điện thoại thông minh, mà cả cho các thiết bị quân sự như xe tăng, bom có độ chính xác cao, hệ thống radar và rốc-két. Dự kiến trong tháng 12 này, một công ty Nhật sẽ thành lập liên doanh khai thác quặng mỏ tại Kazakhstan với mục tiêu sản xuất 1.500 tấn đất hiếm/năm, bằng 7,5% nhu cầu hàng năm của Nhật và sẽ mở rộng lên 6.000 tấn đất hiếm vào năm 2017.
Nhưng Trung Á không chỉ dồi dào đất hiếm. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda từng nhấn mạnh Tokyo xem khu vực này có vị thế địa chính trị trọng yếu, giàu tài nguyên khoáng sản và năng lượng. Báo chí xứ Phù tang cho biết thêm các công ty Nhật Bản muốn đóng vai trò lớn trong lĩnh vực thương mại khoáng sản tại Trung Á, nơi có trữ lượng khổng lồ về dầu thô, khí đốt, uranium và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Hiện tại, các công ty Nhật đang được phép đầu tư khai thác uranium ở Kazakhstan, nước đã trở thành nhà sản xuất uranium dùng làm nhiên liệu hạt nhân lớn nhất thế giới từ năm 2009, cũng như giúp xây dựng và sửa chữa các nhà máy lọc dầu tại Uzbekistan. Tại Trung Á, Nhật cũng đang hợp tác phát triển tàu cao tốc, đường cao tốc, xe hơi và hàng điện tử chất lượng cao, mạng lưới viễn thông tiên tiến và công nghệ robot.
Trung Á, từng được phương Tây gọi là "nóc nhà của thế giới", ngày nay cũng đang trở thành "sân chơi" lớn trên "con đường tơ lụa" liên lục địa Âu-Á vì lợi ích kinh tế và địa chiến lược lâu dài của các nước lân bang và bên ngoài như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Pakistan, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Số tiền hỗ trợ trên của Tokyo rõ ràng là một khoản đầu tư lớn chuẩn bị cho sự thâm nhập của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh năng lượng. Đồng tiền đi trước như vậy có thể được coi là đồng tiền khôn.
ĐỨC TRUNG
(Theo AFP, Globaltimes, Asiatimes)