04/10/2012 - 21:41

Đồng minh trở mặt

Sự bất hòa ngày càng lớn giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak hiện tập trung vào mối quan hệ chiến lược của Israel với Mỹ, khi ông Barak cố biến căng thẳng giữa ông Netanyahu với Washington thành lợi thế chính trị của mình.

Sau nhiều năm duy trì một liên minh thân cận mà ở đó, cả hai đều theo đuổi chiến dịch của Israel chống lại chương trình hạt nhân của Iran, ông Netanyahu và ông Barak đang chĩa mũi dùi về nhau, đặt dấu chấm hết (ít nhất trong thời điểm này) cho một mối quan hệ hợp tác gần gũi.

Bất đồng giữa họ xoay quanh cuộc cạnh tranh xem ai là người tốt nhất ở Israel có thể lèo lái đối sách với Iran và các chính sách liên quan đến an ninh quốc gia (như vấn đề Palestine). Những khác biệt này tuy không mới nhưng đang trở thành vấn đề nóng bỏng bởi Thủ tướng Netanyahu có thể kêu gọi bầu cử sớm vào tháng 2-2013.

Chỉ vài tuần sau khi Thủ tướng Netanyahu bị chỉ trích vì đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với việc phê phán Tổng thống Barack Obama quá nhún nhường trước Iran, mối quan hệ căng thẳng giữa nhà lãnh đạo Israel với Washington trở thành một đề tài tranh cử nóng hổi tại nước này. Người dân Israel lo lắng về viễn cảnh của một vụ tấn công Iran mà không có sự ủng hộ của Mỹ, và bởi vì họ xem mối quan hệ khắng khít với Mỹ là rất quan trọng, nên cũng ví cuộc va chạm của ông Netanyahu với Nhà Trắng là "một sai lầm chính trị hiếm gặp".

Trong bối cảnh đó, "ông Barak hiểu rằng bầu cử sắp diễn ra nên ông muốn giữ khoảng cách với ông Netanyahu. Ông đã tuyên bố điều gì để nổi tiếng? Đó là ông có mối quan hệ tốt với Washington" – Shmuel Sandler, một chuyên gia về chính sách ngoại giao ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược Begin-Sadat thuộc Đại học Bar-Ilan, cho biết.

Hôm 3-10, những người ủng hộ ông Netanyahu cũng cáo buộc ông Barak đã dùng chuyến thăm Mỹ gần đây để tách mình khỏi thủ tướng và lảng tránh những xích mích của Tel Aviv với chính quyền Obama. "Theo như tôi biết, ông ấy giữ khoảng cách nhằm tạo ra lợi thế chính trị cho mình"- Bộ trưởng Giao thông Yisrael Katz khẳng định. Truyền thông Israel cũng dẫn lời Thủ tướng Netanyahu nói rằng ông Barak đã cố ý làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa nhà lãnh đạo nước này với Washington, rồi sắm vai "một nhân vật ôn hòa" có khả năng hàn gắn quan hệ.

Cuộc tổng tuyển cử ở Israel dự kiến diễn ra vào tháng 10-2013, nhưng Thủ tướng Netanyahu từng tuyên bố nếu ông không thể đạt được thỏa thuận với các đối tác liên minh về cái mà ông gọi là ngân sách "trách nhiệm" trong vòng 10 ngày, ông sẽ kêu gọi bầu cử sớm. Nhà báo chuyên mục chính trị Nahum Barnea ở báo Yediot Aharonot ngày 3-10 viết, ngân sách bị thâm hụt gần 4 tỉ USD và cách duy nhất để bù đắp là cắt giảm ngân sách quốc phòng.

"Không có tuyên bố cá nhân nào của ông Netanyahu chống lại ông Barak"- Barnea viết, đồng thời khẳng định lý do mâu thuẫn giữa họ "chỉ có chính trị".

THANH TRÚC

Chia sẻ bài viết