Quan hệ lạnh nhạt giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, xuất phát chủ yếu từ việc Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, đang có dấu hiệu nồng ấm trở lại. Trong khi đó, bang giao Thổ Nhĩ Kỳ-Nga lại dần xấu đi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29-2 xác nhận trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, hai bên đã thảo luận khả năng Washington triển khai tên lửa Patriot theo đề nghị của Ankara nhằm giúp nước này chống lại các cuộc tấn công của quân đội Syria được Nga hậu thuẫn tại Idlib. Idlib là tỉnh nằm ở Tây Bắc Syria, nơi quân đội chính phủ đang mở các cuộc tấn công nhằm vào phe nổi dậy thân Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quân vào đây và tháng rồi có tới 55 binh sĩ nước này thiệt mạng mà Ankara tố cáo không quân Nga là thủ phạm, đồng thời thề sẽ đáp trả. Tình hình căng thẳng tới mức Nga hôm 28-2 phải điều 2 chiến hạm mang tên lửa hành trình Kalibr tới Syria.
Tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an cuối tuần rồi, đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Feridun Sinirlioglu, sau khi nhận được cam kết ủng hộ hoàn toàn từ Washington (cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương-NATO), đã lớn tiếng cảnh báo Tổng thống Syria Bashar al Assad và Tổng thống Nga Vladimir Putin chớ đánh giá thấp quân đội nước này. Còn Đại sứ Mỹ Kelly Craft thì yêu cầu Syria và Nga rút quân khỏi khu vực ngừng bắn ở Idlib. “Chúng tôi kêu gọi Liên bang Nga lập tức hạ cánh các chiến đấu cơ…Chúng tôi đang tìm cách hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ”, bà Craft nhấn mạnh.
Cũng như ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ủng hộ các phe đối nghịch nhau tại Libya, hay nói cách khác là đang tranh giành ảnh hưởng ở đây.
Trong động thái khiến Nga khó chịu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng 2 đã công du Ukraine. Tại đây, ngoài việc viện trợ quân sự 50 triệu USD cho Kiev, ông Erdogan còn tuyên bố không thừa nhận hành động “bất hợp pháp” của Mát-xcơ-va sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014.
Trái lại, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách xích lại gần Mỹ khi nhờ Washington đứng ra làm trung gian giải quyết căng thẳng giữa nước này với Hy Lạp. Có thể thấy thái độ “tâng bốc” Mỹ qua phát biểu của Cagatay Erciyes, vụ trưởng tại Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ: “Áp lực quốc tế sẽ không bẻ cong cánh tay của Thổ Nhĩ Kỳ. Nước Mỹ, những người bạn Mỹ của chúng tôi có thể hỗ trợ đối thoại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp”.
Về phía Mỹ, chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Âu Tod Wolters mới đây khẳng định “Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đồng minh rất đáng tin cậy” bất chấp nước này vừa nhận dàn S-400 mấy tháng trước.
Dường như cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều muốn “xuống thang” nên có thể sóng gió trong quan hệ giữa hai đồng minh này sẽ sớm qua đi.
QUỐC KHÁNH