Chỉ 3 ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thăm Paris với tuyên bố Mỹ không hề xao lãng mà đặt “ưu tiên hàng đầu” trong quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), văn phòng Nhà Trắng hôm 1-2 cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh EU - Mỹ do Tây Ban Nha tổ chức dự kiến vào cuối tháng 5-2010. Khi thông tin này được các phương tiện truyền thông Mỹ truyền đi, nhiều cơ quan lãnh đạo của EU thậm chí không tin đó là sự thật. Ủy ban châu Âu (EC) và cả Tây Ban Nha, nước giữ ghế chủ tịch luân phiên EU, đều thừa nhận họ chưa biết về thông tin này và lịch trình chuẩn bị chuyến thăm Madrid của Tổng thống Mỹ vẫn còn trên bàn nghị sự. Cho đến khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu Philip Gordon khẳng định Tổng thống Obama “sẽ không đến dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU vào mùa Xuân tới” thì các quan chức EU và Tây Ban Nha mới lên tiếng bày tỏ sự thất vọng, đồng thời đưa ra đề xuất hội nghị này có thể được tổ chức ở cấp độ thấp hơn, hoặc hủy bỏ. Một nguồn tin thân cận của chính quyền Madrid ngày 2-2 nói rằng nếu tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU, tức là hội nghị dành cho nguyên thủ quốc gia, mà thiếu vắng người đứng đầu Nhà Trắng thì “hội nghị chẳng còn ý nghĩa gì nữa”.
Để trấn an các nhà lãnh đạo EU, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Mike Hammer tuyên bố: “Tổng thống Obama rất coi trọng mối quan hệ ngày càng vững mạnh với EU nói riêng và châu Âu nói chung”. Nhiều quan chức Nhà Trắng khác thì giải thích rằng ông Obama đang chủ trương ít công du nước ngoài để tập trung “lo việc nhà”, hơn nữa ông ấy đã đi thăm châu Âu tới 6 lần và gặp Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Zapatero 2 lần hồi năm ngoái. Như lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Philip Gordon, ông Obama có lẽ là vị tổng thống Mỹ đi thăm châu Âu nhiều nhất trong năm đầu cầm quyền của mình.
Tuy nhiên, nếu nói ông Obama bận rộn với những vấn đề chính trị nội bộ mà không thể dự hội nghị thượng đỉnh với EU thì không thật thuyết phục, vì ông đương có kế hoạch thăm Indonesia và Australia, hai quốc gia quan trọng trong chiến lược mới của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thế nên, các nhà ngoại giao châu Âu nhận xét rằng Tổng thống Obama có vẽ như ít quan tâm đến châu Âu. Hồi tháng 6 năm rồi, tại một hội nghị ở Praha (CH Czech), các nhà lãnh đạo EU từng lên tiếng trách ông Obama “hững hờ” trong quan hệ với EU. Châu Âu còn cảm thấy “chột dạ” hơn khi chính Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ P.J Crowley nói rằng ông thấy cần phải tìm hiểu chính xác coi Washington nên tham gia cuộc họp ở cấp độ nào với các cơ quan khác nhau của EU như Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu hay chủ tịch luân phiên châu Âu. Theo ý ông Crowley, EU hiện nay có nhiều chức danh đại diện của khối mà chẳng biết cơ quan nào quan trọng nhất, nên cũng có thể hiểu rằng “EU chưa phải là một tổ chức thống nhất với một thủ lĩnh có thực quyền”.
Vì thế chẳng có gì lấy làm ngạc nhiên khi báo chí Anh hôm qua bình luận rằng, với việc ông Obama không dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU, Nhà Trắng đã làm mất mặt châu Âu.
PHÚC KIẾN
(Theo The Guardian, Reuters, Le Monde, Le Figaro)