20/04/2016 - 14:14

Doanh số hàng giả toàn cầu đạt gần 500 tỉ USD

Trong báo cáo về ảnh hưởng của vấn nạn hàng giả đối với các ngành công nghiệp, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết hàng giả hàng nhái trên toàn cầu có giá trị gần 500 tỉ USD.

Hàng giả gây tổn thất lớn cho các công ty và ngân sách nhiều nước. Ảnh AFP

Báo cáo công bố hôm 18-4 cho thấy trong năm 2013, giao dịch hàng giả trên thế giới chiếm tới 2,5% thương mại toàn cầu, tức khoảng 461 tỉ USD. Qua phân tích gần 500.000 vụ bắt giữ hàng giả do các cơ quan hải quan trên khắp thế giới tiến hành từ năm 2011-2013, báo cáo nhận thấy các nhãn hàng của Mỹ, Ý và Pháp bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Gần 20% tổng giá trị các sản phẩm giả bị tịch thu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các chủ sở hữu đăng ký tại Mỹ. Xếp sau đó là Ý với 14,6%, Pháp 12,1%, Thụy Sĩ 11,7%, Nhật 8,2% và Đức 7,5%… Trong đó, đồng hồ Rolex, giày Nike, mắt kính Ray Ban và túi xách Louis Vuitton là các nhãn hiệu "dường như ngày càng trở thành mục tiêu của các đối tượng làm hàng giả". Trước đây, Tổ chức Hải quan Thế giới cũng đã xác định Nike là thương hiệu bị làm giả thường xuyên nhất trong năm 2013. Nghiên cứu của OECD cho biết Trung Quốc dường như là nơi sản xuất hàng giả nhiều nhất, theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ và Singapore. Theo báo cáo, bưu kiện là phương thức vận chuyển hàng giả được sử dụng nhiều nhất, chiếm 62% các vụ bị tịch thu.

"Quy mô hiện tượng này (kinh doanh hàng giả) dường như lớn hơn so với 10 năm trước"- OECD nhận định. Nghiên cứu năm 2008 của OECD ước tính hoạt động phi pháp này chiếm 1,9% hàng hóa nhập khẩu của thế giới, tức 200 tỉ USD. Năm ngoái, một báo cáo khác của nhóm này cũng kết luận rằng việc kinh doanh hàng giả gần như là hoạt động tội phạm "hốt bạc" nhiều nhất trên thế giới, với lợi nhuận lên đến 250 tỉ USD (chỉ đứng sau buôn ma túy), theo báo The Economist Espresso.

THANH BÌNH (Theo Straits Times, AP)

Chia sẻ bài viết