21/03/2008 - 09:51

Doanh nghiệp Mỹ thua thiệt do lệnh cấm vận chống Cuba

Nhà xưởng của công ty Sherritt ở Cuba.

Với mục tiêu nâng cao mức sống, thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành khai mỏ, dầu khí, du lịch, có thể là nông nghiệp và thậm chí cả sản xuất ethanol, Chính phủ Cuba đang mở ra cơ hội đầu tư mới cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ, các công ty nước ngoài vẫn ồ ạt đầu tư vào Cuba, trong đó các công ty châu Âu và Canada đang thu lợi lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ lại đang chịu thua thiệt vì sự chậm chân của mình do lệnh cấm vận mà Washington áp đặt từ năm 1962 chống Cuba.

Lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba vô hình trung mang lại lợi ích lớn cho các công ty nước ngoài, vì họ không vấp phải sự cạnh tranh từ các công ty Mỹ. Hiện nay, các nhà đầu tư châu Âu, Mỹ La-tinh, Israel và A-rập đã bước chân vào ngành kinh doanh xì-gà, rượu mạnh, cam quýt và khách sạn ở Cuba. Việc người tiêu dùng Cuba tăng chi tiêu cũng khiến các công ty nước ngoài phấn khởi, trong đó đặc biệt phải nói tới là các loại sản phẩm như kem và đồ uống của Nestlé, bia của nhà sản xuất InBev lớn thứ hai thế giới, xà phòng và dầu gội của Unilever (Anh-Hà Lan) và thuốc lá của Souza Cruz (Brazil). Nhà cung cấp dịch vụ điện thoại ETECSA (nơi Tập đoàn Viễn thông Italia nắm giữ 27% cổ phần) cũng thu lợi sau khi Chính phủ Cuba dỡ bỏ các hạn chế, cho phép người dân nước này mua điện thoại di động và tăng cường tiếp cận với Internet. Thậm chí hãng sản xuất nước giải khát tăng lực Red Bull của Áo cũng phất lên ở Cuba. Nhiều công ty của các nước A-rập đang thực hiện các dự án xây dựng tại Cuba, như Tập đoàn đầu tư bất động sản Qatar đang đầu tư xây một khách sạn 5 sao gồm 200 phòng trị giá 75 triệu USD trên một hòn đảo ở Cuba.

Các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn ở Cuba cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt đối với Cuba. Đơn cử như trường hợp giới chức của Công ty năng lượng Sherritt International (Canada) tới nay vẫn bị cấm vào Mỹ theo đạo luật Helms-Burton. Nhưng điều đó không ngăn cản Sherritt đầu tư 1,5 tỉ USD vào ngành công nghiệp nickel của Cuba và tiếp tục hợp tác với La Havana trong lĩnh vực sản xuất khí đốt và dầu mỏ.

(TTXVN, Reuters)

Chia sẻ bài viết