Tân Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm 1-10 đã "chìa cành ô-liu" về phía Nga, khi nói rằng ông không nhận thấy có mâu thuẫn nào giữa việc duy trì một liên minh bền vững và kiến tạo mối quan hệ mang tính xây dựng với Mát-xcơ-va.
Phát biểu với cánh phóng viên tại trụ sở NATO, ông Stoltenberg tuyên bố chính sách của liên minh có thể xoay chuyển và sẵn sàng xem xét bất kỳ yêu cầu nào của Nga trên tinh thần cởi mở nếu Điện Kremlin có ý muốn nối lại hoạt động của Hội đồng Nga NATO (NRC), cơ chế để hai bên tham vấn, thỏa hiệp và đưa ra quyết định chung về các vấn đề cùng quan tâm trên cơ sở đối tác bình đẳng nhưng đã nguội lạnh sau khi Mát-xcơ-va sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3.
Đề cập vấn đề Ukraina, mặc dù kiên quyết phản đối sự can thiệp quân sự của Nga tại Ukraina nhưng thay vì dùng lời lẽ cứng rắn, cựu Thủ tướng Na Uy lên tiếng yêu cầu Mát-xcơ-va nên tuân thủ luật pháp quốc tế và có biểu hiện "thay đổi rõ ràng" trong hành động của nước này đối với quốc gia láng giềng. Bởi như lời chính trị gia 55 tuổi, thỏa thuận ngừng bắn giữa chính quyền Kiev và phe ly khai thân Nga chính là cơ hội cho các bên.
Theo giới phân tích, quan điểm của ông Stoltenberg trong vấn đề cải thiện quan hệ giữa phương Tây và Nga cho thấy một xu hướng mềm mỏng hơn so với thái độ khá cứng rắn nhưng không được lãnh đạo một số quốc gia thành viên ủng hộ của người tiền nhiệm cựu Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen.
Hồi tháng 4, NATO đã đình chỉ tất cả quan hệ hợp tác với Nga nhằm phản đối nước này kiểm soát bán đảo Crimea. Mặc dù cơ chế đối thoại chính trị giữa NATO và Nga không bị hủy bỏ nhưng đại sứ hai bên chỉ gặp nhau vỏn vẹn 2 lần kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraina bùng nổ. Đặc biệt trong những tháng gần đây, ông Rasmussen vẫn luôn cáo buộc Nga "phá hủy môi trường an ninh ở châu Âu", cũng như không hình dung hai bên có thể sớm hòa giải.
Do đó, cách tiếp cận mới - theo Nhật báo Phố Wall (WSJ), có thể sẽ được một số quốc gia chủ chốt trong NATO ủng hộ nhằm giảm bớt áp lực đối với liên minh khi cùng lúc đối mặt hàng loạt vấn đề bao gồm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraina, tình hình an ninh ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, tương lai chưa đoán định của Afghanistan, mối đe dọa từ cuộc chiến không gian mạng và vấn nạn hải tặc.
VI VI (Theo Reuters, WSJ, AP)