28/08/2007 - 20:19

Đến Karl Max cũng phải tự hào

Già làng Zumra Nuru (ảnh nhỏ) và nam nữ trong làng Awra Amba cùng quay tơ dệt vải.

Không biết đọc cũng chẳng biết viết, nhưng lão nông Zumra Nuru đã tạo dựng một xã hội dân chủ bình đẳng mà đến Karl Max cũng phải tự hào. Khát vọng về một cộng đồng phi tôn giáo, không đói nghèo mà ở đó nam nữ cùng sẻ chia công việc đã nhen nhóm trong tâm trí người đàn ông 60 tuổi này từ thời niên thiếu. Thuở ấy, cậu bé Nuru phải lăn lộn ngoài đồng thay vì cắp sách đến trường, mẹ thì gánh vác công việc nhiều hơn cha....

Vào thập niên 1980, cùng với 19 người chung chí hướng, Nuru đứng ra gầy dựng cộng đồng dân cư theo một mô hình đặc biệt mà ông từng mơ ước và đặt tên là Awra Amba. Nằm trên một ngọn đồi ở miền Bắc Ethiopie, ngày nay, làng Awra Amba có khoảng 400 nhân khẩu và được xem là điển hình về giảm nghèo và thúc đẩy bình đẳng giới ở đất nước vẫn còn nặng tư tưởng “chồng chúa vợ tôi”. Cộng đồng thử nghiệm này lần đầu tiên được cả nước Ethiopie biết đến khi già làng Nuru trả lời phỏng vấn trên truyền hình quốc gia cách đây ít năm. Kể từ đó, báo đài, đại diện chính phủ, quốc hội rồi các tộc trưởng, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước lần lượt kéo đến Awra Amba tìm hiểu. “Tôi hoàn toàn bị chinh phục khi đến thăm làng này. Đây là mô hình để thế giới suy ngẫm các vấn đề về bình đẳng giới...”, ông Tim Clarke, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Ethiopie, nói.

Trong xã hội Ethiopie, quay tơ dệt vải là việc của chị em, nhưng ở Awra Amba, nam giới góp tay san sẻ việc nhà, việc đồng áng... với phụ nữ. Và nghề thủ công này đã trở thành một trong những biểu tượng, đồng thời là nguồn thu nhập chính của làng. Cư dân Awra Amba làm việc suốt tuần và không để tâm đến ngày nghỉ lễ. Họ được ăn no, mặc ấm và trẻ em được vui chơi thỏa thích.

Không có thánh đường hay đền thờ uy nghi lộng lẫy, nhưng mỗi khi có du khách đến tham quan, dân làng tự hào giới thiệu thư viện đơn sơ của làng, trong đó có phòng học dành cho trẻ em từ 3-5 tuổi trước khi nhập học trường huyện. Hiện nay, cư dân Awra Amba đang cố gắng làm kiếm thêm tiền để xây dựng hệ thống cấp thoát nước, lót đường và gây quỹ giáo dục cho trẻ em. “Giáo dục có ý nghĩa rất quan trọng đối với cộng đồng chúng tôi”, Asnake Gebeyehu, 18 tuổi, hiện là thông dịch viên tiếng Anh cho du khách nước ngoài, cho biết. Gebeyehu cũng là một trong 8 thanh niên của làng sẽ vào đại học trong năm nay.

Awra Amba nổi bật không chỉ bởi chủ trương bình đẳng trong các vấn đề về giới, tôn giáo và giáo dục mà còn bởi hệ thống an sinh xã hội cho người dân mỗi khi thiếu thốn. Làng có nhà dưỡng lão có nhân viên túc trực 24/24, và ủy ban chăm sóc bà mẹ và trẻ em. Tục tảo hôn và ép cưới bị cấm ở đây. Hiện làng Awra Amba đang trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều tổ chức quốc tế. Theo Mohammed Musa, chuyên gia tư vấn phát triển nông thôn hiện đang thực hiện đề án nghiên cứu về ngôi làng này cho Ngân hàng Thế giới, Awra Amba là gương điển hình về bình đẳng giới, đạo đức lối sống và an sinh xã hội không chỉ cho các cộng đồng ở Ethiopie mà cả những quốc gia khác ở châu Phi học tập noi theo.

THANH TRÚC (Theo CS Monitor)

Chia sẻ bài viết