02/01/2012 - 10:41

Đếm cua trong lỗ?

Hai đảng đối lập hàng đầu ở Syrie cuối tuần rồi đã đạt được thỏa thuận về lộ trình tiến tới một nền dân chủ cho nước này một khi lật đổ được Tổng thống Bashar al-Assad bằng các cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài từ tháng 3-2011 và đã khiến hơn 5.000 người thiệt mạng. Họ cho biết văn kiện trên sẽ sớm được chuyển cho Liên đoàn A-rập (AL) và các nhóm đối lập khác xem xét.

Biểu tình ủng hộ ông Assad hôm 30-12. Ảnh: EPA 

Tổ chức lưu vong Hội đồng Dân tộc Syrie (SNC) và Ủy ban điều phối quốc gia vì sự thay đổi dân chủ ở Syrie (NCB) nhất trí “phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự (từ bên ngoài) nào gây tổn hại chủ quyền và sự ổn định của đất nước”, nhưng cho rằng “sự can thiệp của khối A-rập không bị coi là bên ngoài”. SNC, đặt trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ, lâu nay chủ trương nhờ sự trợ giúp của ngoại bang nhưng bị NCB bác bỏ, thế nên thỏa thuận kiểu “nước đôi” vừa rồi có thể là kết quả của sự nhượng bộ lẫn nhau giữa họ. Hiện SNC có trong tay Quân đội Tự do Syrie với khoảng 20.000 người mà nòng cốt là những binh sĩ chính phủ đào ngũ.

Họ cũng phác họa những việc phải làm trong giai đoạn chuyển tiếp dự kiến kéo dài một năm. Theo đó, Syrie sẽ có tân hiến pháp nhằm bảo đảm chế độ dân chủ thông qua hệ thống nghị viện với việc bầu ra một quốc hội và tổng thống mới. Tự do tôn giáo cũng được đề cao trong hiến pháp và Syrie sẽ ngăn chặn những biểu hiện của chủ nghĩa giáo phái hoặc “quân sự hóa giáo phái”. Hiện hầu hết người biểu tình thuộc dòng Hồi giáo Sunni chiếm đa số ở nước này, trong khi ông Assad nhận được sự ủng hộ của giáo phái Alawite thuộc dòng Shiite- lực lượng đang chi phối chính trường và quân đội Syrie.

SNC và NCB đạt được thỏa thuận trên giữa lúc hàng trăm ngàn người Syrie rầm rộ biểu tình phản đối ông Assad, nhưng một mặt là muốn “biểu dương sức mạnh”, hy vọng các quan sát viên AL vừa được triển khai ở đây chú ý tới tình trạng bị đàn áp của họ. Đáp lại, phe ủng hộ ông Assad cũng ồ ạt xuống đường “thị uy lực lượng” với mong muốn các quan sát viên AL “chuyên nghiệp và đáng tin cậy hơn trong việc thông tin về những thực tế như các nhóm khủng bố đang giết người vô tội, gây hoảng loạn và phá hoại tài sản tư nhân, công cộng”. Điều này cho thấy quyền lực của vị tổng thống 46 tuổi tuy có lung lay nhưng chưa dễ gì sụp đổ, nhất là vào thời điểm phe đối lập bị cho là còn khá manh mún.

Trong khi đó, do vấp phải sự phản đối của Nga và Trung Quốc nên phương Tây chưa thể thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để gia tăng áp lực lên Damas như cách họ từng làm với chính quyền ông Muammar Gadhafi ở Libye trước đây.

Trong bối cảnh như thế, việc các nhóm đối lập ở Syrie tính tới chuyện “hậu Assad” có vẻ như hơi sớm, gần giống như “đếm cua trong lỗ” vậy.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết