07/01/2021 - 20:31

Đây không phải là nước Mỹ! 

Tờ Los Angeles Times đã giật tít như vậy sau cảnh tượng bạo loạn trong ngày Quốc hội Mỹ tiến hành phiên họp chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Trụ sở Quốc hội Mỹ bị người biểu tình chiếm giữ hôm 6-1. Ảnh: Reuters

Trụ sở Quốc hội Mỹ bị người biểu tình chiếm giữ hôm 6-1. Ảnh: Reuters

Tại phiên họp vào chiều 7-1 (theo giờ Việt Nam), lưỡng viện Quốc hội đã xác nhận ông Biden chính thức trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Trước đó, Quốc hội đã lần lượt bác yêu cầu phản đối kết quả phiếu đại cử tri ở các bang “chiến trường” gồm Arizona, Georgia, Michigan, Nevada và Pennsylvania do một số nghị sĩ đảng Cộng hòa khởi xướng. Trong đó, kiến nghị đối với kết quả bầu cử ở các bang Georgia, Michigan và Nevada thậm chí không được xem xét do không nhận được chữ ký của thượng nghị sĩ nào. 

Người thua cuộc cay đắng

Vụ biểu tình bạo loạn là đỉnh điểm của nhiều tháng chia rẽ nội bộ khi Tổng thống Donald Trump không thừa nhận kết quả cuộc bầu cử ngày 3-11-2020 và liên tục đưa ra cáo buộc không có cơ sở về gian lận phiếu bầu trên diện rộng. Trước lúc Quốc hội kiểm phiếu cử tri đoàn, Tổng thống Trump hôm 6-1 tuyên bố với đám đông ủng hộ xung quanh Nhà Trắng rằng ông không bao giờ công nhận kết quả vì cuộc bầu cử vừa qua có nhiều điều bất thường.

Sau phát biểu của Tổng thống Trump, đoàn người tiến thẳng vào Ðồi Capitol, tràn qua hành lang và đập phá cửa sổ, lục tung các văn phòng, gây nên cảnh tượng hỗn loạn chưa từng có đối với biểu tượng của nền dân chủ Mỹ. Hãng tin BBC cho biết ít nhất 4 người đã thiệt mạng và 50 người bị bắt trong cuộc hỗn chiến. Phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ để lực lượng chức năng kiểm soát tình hình, các nghị sĩ cũng được triệu tập lại trong tối cùng ngày để tiếp tục chứng nhận kết quả bầu cử.

Thời điểm bạo loạn diễn ra, trước áp lực từ nhiều phía, ông Trump phải lên tiếng kêu gọi người biểu tình bình tĩnh, giục họ trở về nhà nhưng không quên lặp lại cáo buộc bầu cử gian lận. Trước cách hành xử này, Hãng tin Reuters cho biết nhiều nhà lập pháp và quan chức chính phủ đã thảo luận khả năng cách chức, thậm chí lần nữa luận tội Tổng thống Trump dù ông chỉ còn hai tuần tại vị. Các tổ chức, doanh nghiệp vốn là đồng minh trung thành của đảng Cộng hòa cũng đề nghị Phó Tổng thống Mike Pence khởi động tiến trình loại ông Trump khỏi nhiệm sở để bảo vệ nền dân chủ.

Người Mỹ kinh hoàng

Hơn 20 thành viên nội các tuy tránh chỉ trích cấp trên nhưng đã đồng loạt lên án tình trạng “vô luật pháp” ở trụ sở Quốc hội. Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell mô tả vụ chiếm Ðồi Capitol là “cuộc nổi dậy thất bại”. Nhiều nhân vật trong đảng từng có ý định phản đối việc chứng nhận kết quả cho ông Biden đắc cử cũng thay đổi quyết định sau diễn biến kịch tính hôm 6-1.

Bình luận về vụ bạo loạn, các cựu Tổng thống Barack Obama và Bill Clinton coi đây là vụ tấn công chưa từng có tiền lệ tại Mỹ. Tuy không đề cập trực tiếp ông Trump, cựu Tổng thống George W. Bush tức giận lên án “hành vi liều lĩnh” của một số nhà lãnh đạo chính trị sau bầu cử cùng sự thiếu tôn trọng hiện nay đối với truyền thống, thể chế và pháp quyền. Thượng nghị sĩ Mitt Romney, đảng viên Cộng hòa duy nhất bỏ phiếu kết tội tổng thống trong phiên luận tội năm ngoái, mô tả ông Trump là “kẻ ích kỷ” đã “kích động” bạo lực bằng những lời lẽ dối trá về cuộc bầu cử.

Ngoài ra, “làn sóng ra đi” bắt đầu đánh úp Nhà Trắng khi nhiều trợ lý, phụ tá cấp cao đồng loạt từ chức để phản đối. Trong số này có Chánh Văn phòng của Ðệ nhất phu nhân Melania Trump, Stephanie Grisham; Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Matthew Pottinger, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Matthews cùng Thư ký truyền thông xã hội Anna Cristina “Rickie” Niceta. Bloomberg tiết lộ Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien  cùng Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao cũng đang xem xét động thái tương tự.

Thế giới bị sốc

Tình trạng lộn xộn tại Washington đồng thời khiến nhiều nhà lãnh đạo thế giới choáng váng, bao gồm những quốc gia đồng minh thân cận. Thủ tướng Anh Boris Johnson lên án “cảnh đáng xấu hổ” ở Quốc hội Mỹ. Cùng với Thủ tướng Úc Scott Morrison, ông Johnson kêu gọi Washington bảo vệ dân chủ trên thế giới và chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Theo Ngoại trưởng Ðức Heiko Maas, Tổng thống Trump và những người ủng hộ nên chấp nhận quyết định của cử tri và ngừng chà đạp lên nền dân chủ. 

Về phần mình, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhìn nhận cuộc biểu tình bạo lực tại Washington là “hình ảnh hãi hùng” và khẳng định kết quả bầu cử dân chủ phải được tôn trọng. Quan ngại trước tình hình bạo lực, Chủ tịch Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc Volkan Bozkir hy vọng sự tôn trọng dân chủ sẽ sớm thiết lập trở lại trên chính trường Mỹ. Dù như vậy, giới phân tích cho rằng bạo loạn vừa qua đã phơi bày thực thực tế rằng Mỹ có thể không còn là “ngọn hải đăng” của hy vọng về tự do, dân chủ, thịnh vượng và hòa bình.

Khả năng ông Trump bị luận tội

Theo Ðài CNN, sau vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội, một số bộ trưởng trong chính quyền ông Trump đã nhóm họp và thảo luận về khả năng kích hoạt Tu chính án 25 trong Hiến pháp để loại bỏ đương kim tổng thống. Theo Hãng tin Reuters, khả năng này vẫn có thể xảy ra nếu Phó Tổng thống Mike Pence và đa số bộ trưởng trong nội các đồng ý ông Trump “không còn đủ năng lực” thực hiện nghĩa vụ tổng thống.

Nếu điều này xảy ra với Trump (ảnh), ông có quyền phản hồi lại bằng văn bản rằng ông vẫn đủ năng lực làm tổng thống. Trong vòng 4 ngày nếu Phó Tổng thống Pence và các thành viên nội các không phản đối lại tuyên bố của ông Trump, tổng thống sẽ lấy lại quyền lực.

Một số ít quan chức Cộng hòa đang nghĩ tới biện pháp loại bỏ ông Trump quyết liệt hơn là luận tội phế truất. Nếu các cáo buộc được cả lưỡng viện Quốc hội thông qua, tổng thống sẽ bị phế truất và rời khỏi Nhà Trắng ngay lập tức.

Theo quy định, việc khởi động tiến trình luận tội sẽ do Hạ viện khởi xướng. Hiện đảng Dân chủ đang kiểm soát cơ quan này. Thượng viện sẽ giữ vai trò xét xử, quyết định ông Trump có tội hay không.

Nếu lưỡng viện đều đồng lòng, quá trình luận tội và bãi nhiệm ông Trump có thể được kích hoạt ngay lập tức và hoàn tất trong vòng 1 ngày. Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, tổng thống sẽ bị xem là có tội và bị cách chức, lấy hết bổng lộc ngay lập tức nếu 2/3 thượng nghị sĩ chấp thuận.

Theo Tu chính án 25, phó tổng thống sẽ trở thành tổng thống “trong trường hợp tổng thống bị phế truất, qua đời hoặc từ chức”.

 

Big Tech hành động

Các trang mạng hàng đầu gồm Facebook, Twitter, YouTube và Instagram đồng loạt tuyên bố tạm thời khóa tài khoản của Tổng thống Trump trên nền tảng của họ sau cuộc bạo loạn. Cụ thể, Twitter nói rằng tài khoản của tổng thống sẽ bị khóa đến khi ông xóa 3 dòng tweet bị cho vi phạm quy tắc của công ty. Mạng xã hội này có thể đình chỉ tài khoản của lãnh đạo Mỹ vĩnh viễn nếu ông tiếp tục vi phạm. Tương tự, ông Trump không thể đăng bài trên tài khoản Facebook trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Trước đó, nền tảng trên và YouTube đã gỡ video ông Trump kêu gọi đám đông ủng hộ “lập tức về nhà” kèm tuyên bố về gian lận bầu cử do lo ngại bạo lực leo thang.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết