18/01/2011 - 08:38

Đâu dễ giở trò

Cảnh bạo động của các phần tử quá khích ở Algérie. Ảnh: AP

Người đàn ông thất nghiệp 37 tuổi tên là Mohcin Bouterfif tại thành phố Boukhadra, tỉnh Tebessa, Đông Bắc Algérie, cách Thủ đô Algiers 700 km về phía Đông, đã tự thiêu trước tòa thị chính ngày 15-1 và được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng chết một ngày sau đó. Nhật báo El Khabar của Algérie cho biết hành động tự vẫn của người cha có một đứa con gái này diễn ra sau cuộc gặp xin việc làm và nhà ở với thị trưởng thành phố Boukhadra trước đó hai ngày. Tuy nhiên, nguyện vọng của Bouterfif chưa thể được đáp ứng. Hãng tin Pháp AFP “hỏi thăm” các “nhân chứng” là cư dân địa phương cho biết Bouterfif thuộc nhóm 20 thanh niên đã tụ tập trước tòa thị chính bày tỏ sự bất bình vì nhà lãnh đạo thành phố từ chối tiếp những người đến xin việc và nhà ở như họ. Thế nên, theo AFP, quyết định tự tử của Bouterfif nhằm “tố cáo thái độ khinh miệt của các nhà lãnh đạo thành phố đối với anh ta”.

Cũng tại vùng Đông Bắc của Algérie một ngày trước đó, tỉnh Jijel gần kề Thủ đô Algiers đã có sự kiện một thanh niên 27 tuổi đổ xăng lên người rồi châm lửa trước một đồn cảnh sát. Trước đó hai ngày, một đàn ông có 6 mụn con tại thành phố Bordj Menaiel, tỉnh Boumerdes kề cận Thủ đô Algiers, đã bật lửa vào cơ thể đã tẩm xăng của mình. Và vụ mới nhất, ngày 16-1, tỉnh Tây Bắc Mostagamen cách Thủ đô Algiers 355 km về phía Đông lại chứng kiến trường hợp tương tự của một thanh viên 34 tuổi “vô công rỗi nghề” trước trụ sở của cơ quan tình báo nội địa. Rất may là ngoài Bouterfif, cả 3 trường hợp còn lại đều được can thiệp và cứu sống kịp thời.

Tuy vậy, dư luận cho rằng “làn sóng tự thiêu” ở quốc gia Bắc Phi này có “âm hưởng” từ nước láng giềng Tunisie, nơi mà người thanh niên 26 tuổi tốt nghiệp đại học nhưng chưa có việc làm Mohamed Bouaziz đã tự thiêu sống ngày 17-12 năm ngoái sau khi bị cảnh sát tịch thu số rau quả buôn bán trái quy định. Sau những gì diễn ra tại Tunisie, báo giới phương Tây “tôn” Bouaziz như vị anh hùng lấy thân mình khuấy động cuộc “cách mạng hoa lài” lật đổ Tổng thống Ben Ali sau 23 năm cầm quyền.

Những trò tự thiêu trên diễn ra trong bối cảnh ở Algérie nhiều tuần trước đó có một vài cuộc biểu tình lẻ tẻ phản đối giá thực phẩm tăng cao, thất nghiệp tràn lan tuy dẫn đến xung đột và gây thương tích với cảnh sát nhưng không đẫm máu như ở Tunisie. Tổng thống Abdelaziz Bouteflika, 74 tuổi, lên nắm quyền từ năm 1999, cũng đã bình ổn được tình hình với chương trình trợ giá thực phẩm thiết yếu. Chỉ số lạm phát tại Algérie năm 2010 được kiểm soát tốt ở mức 5,7%. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức ở mức 10%. Chính phủ của ông cũng đã cam kết hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, tạo ra việc làm bằng chính sách đa dạng hóa nền kinh tế, duy trì các chương trình phát triển bền vững nhằm đưa GDP của Algérie đạt 286 tỉ USD trong 5 năm tới, so với 159 tỉ USD hiện nay. Nhờ nguồn thu gần như duy nhất từ xuất khẩu dầu khí, dự trữ ngoại hối của Algérie đến cuối năm ngoái đạt 155 tỉ USD.

Điều đáng nói là báo chí phương Tây đang rầm rộ phát đi một “cảnh báo” đầy tai hại rằng sẽ có “hiệu ứng dây chuyền” lật đổ chính phủ trong thế giới A-rập, trong đó có Algérie, khiến bầu không khí chính trị và an ninh tại nhiều quốc gia Trung Đông và Bắc Phi trở nên căng thẳng. Nhưng rõ ràng “cuộc cách mạng hoa lài” đâu thể muốn tác oai tác quái ở nơi nào cũng được.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết