21/02/2024 - 20:30

Đằng sau nỗ lực “chữa lành” Biển Aral của Nhật Bản 

Nhiều tổ chức quốc tế đã tham gia giúp đỡ Kazakhstan và Uzbekistan giảm bớt hậu quả tàn khốc của một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất do con người gây ra trên khắp khu vực Trung Á trong bối cảnh Biển Aral, hồ nước mặn nằm ở biên giới 2 nước, ngày càng khô hạn. Trong đó, một đối tác đáng chú ý trong nỗ lực này là Nhật Bản.

Du khách ngâm mình ở hồ nước nóng từng là đáy Biển Aral. Ảnh: AP

Biển Aral từng là hồ nước mặn lớn thứ tư thế giới nhưng các chính sách tưới tiêu sai lầm do Liên Xô khởi xướng từ những năm 1960 đã làm hồ này cạn kiệt, khiến mực nước chỉ còn 10% thể tích ban đầu. Chính thảm họa này đã dẫn tới sự gia tăng các vấn đề liên quan đến sức khỏe, gây thiệt hại về mặt sinh thái do mất đi các loài sinh vật biển trong khi người dân địa phương mất sinh kế do sự tàn phá của hoạt động đánh bắt cá thương mại và du lịch.

Trong bối cảnh đó, các tổ chức Nhật Bản và quốc tế đã chung tay triển khai nhiều dự án để “chữa lành” Biển Aral và môi trường xung quanh. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản hồi tháng 9 năm ngoái cam kết tài trợ 2 triệu USD để thực thi dự án chia sẻ kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến với các cộng đồng ở Karakalpakstan, nước cộng hòa tự trị thuộc Uzbekistan giáp Biển Aral, để giúp họ thích ứng một cách hiệu quả hơn với tình trạng sa mạc hóa và biến đổi khí hậu. Về phần mình, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) gần đây cũng theo đuổi các dự án ở khu vực Biển Aral, chẳng hạn như phát triển các hoạt động nông nghiệp thích ứng với khí hậu và cải thiện dịch vụ y tế. Trước đó, Tokyo còn cung cấp tài chính cho các dự án khác ở Biển Aral, gồm khoản viện trợ chính phủ trị giá 3 triệu USD để cải thiện mức sống cho cộng đồng Biển Aral hồi năm 2019.

Nhật Bản còn cùng với Kazakhstan và Uzbekistan trở thành thành viên Quỹ Ủy thác An ninh Con người Ða đối tác của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho khu vực Biển Aral. Sáng kiến này được đưa ra nhằm “huy động các nguồn lực tài chính và kỹ thuật để phát triển khu vực Biển Aral” bằng cách hợp tác với các bên liên quan. Ngoài ra, các tổ chức học thuật của xứ hoa anh đào cũng đã nghiên cứu sâu rộng về Biển Aral.

Vì sao Nhật Bản nỗ lực “chữa lành” Biển Aral?. Theo giới chuyên gia, đó là một phần của chiến lược rộng lớn hơn của Tokyo tại khu vực Trung Á. Theo tờ The Diplomat, Nhật Bản đang hoàn thành vai trò như là một cường quốc chuẩn mực, đồng hành cùng các sáng kiến của Mỹ và châu Âu nhằm thúc đẩy các giá trị dân chủ tự do ở Trung Á đồng thời chống lại ảnh hưởng quá lớn của Nga và Trung Quốc tại khu vực. Do đó, bên cạnh việc là nhà tài trợ chương trình Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) và là nhà điều phối các dự án viện trợ và phát triển cơ sở hạ tầng trên khắp Trung Á, Tokyo còn giúp thiết lập các chương trình như Ðối thoại chính trị Trung Á - Nhật Bản hay Hiệp hội Hữu nghị Nhật Bản - Trung Á.

Việc tiếp cận nguồn dự trữ tài nguyên thiên nhiên dồi dào của Trung Á cũng là yếu tố khiến Tokyo tăng cường sự hiện diện tại khu vực. Do Nhật Bản phụ thuộc vào nhập khẩu để cung cấp nhiên liệu cho nhu cầu năng lượng và công nghiệp, việc đa dạng hóa nguồn cung bằng cách giao thương với Trung Á là cách giúp nước này giảm bớt tình trạng bị gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai.

Nhật Bản cũng bày tỏ sự quan tâm đối với lĩnh vực khai thác đất hiếm, khoáng sản quan trọng và phát triển năng lượng xanh ở Trung Á. Hồi tháng 1-2024, Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Almasadam Satkaliev và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Saito Ken đã ký biên bản ghi nhớ về phát triển kinh tế không carbon và chuyển đổi năng lượng. Ông Saito cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ trưởng Năng lượng Uzbekistan Jurabek Mirzamahmudov về hợp tác kinh tế và chuyển đổi năng lượng.

Nhật Bản được đánh giá là đối tác thầm lặng nhưng quan trọng đối với Trung Á. Kim ngạch thương mại song phương giữa Kazakhstan và Nhật Bản là 1,9 tỉ USD năm 2022 và hơn 3 tỉ USD năm 2023. Trong Sách Xanh Ngoại giao 2023, Nhật Bản bày tỏ mong muốn “tăng cường quan hệ song phương” với khu vực Trung Á thông qua các cuộc đàm phán cấp cao và sẽ thúc đẩy hợp tác với khu vực bằng cách sử dụng khuôn khổ Đối thoại Trung Á - Nhật Bản vốn được thiết lập từ năm 2004.  

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết