13/05/2019 - 19:25

Đằng sau chuyến thăm Nhà Trắng của Thủ tướng Hungary 

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Hungary Viktor Orban vào hôm nay (14-5) để thảo luận vấn đề thương mại, năng lượng và an ninh quốc gia. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Hungary thăm chính thức Mỹ kể từ năm 2005, nhưng giới quan sát không rõ thái độ của Nhà Trắng sẽ như thế nào giữa hai nghị trình “nước Mỹ trên hết” và “Hungary trước tiên”.

Tổng thống Trump (trái) sẽ có cuộc gặp đầu tiên với Thủ tướng Hungary sau hơn 2 năm nhậm chức. Ảnh: Hungary Today

Với quan điểm chống nhập cư kịch liệt nhất châu Âu, Thủ tướng Orban được cho tìm thấy cơ hội thúc đẩy trào lưu bảo thủ tại các diễn đàn quốc tế khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Trong bài phát biểu năm 2017, ông Orban công khai ủng hộ chính sách “Nước Mỹ trên hết” và chia sẻ cách tiếp cận này bằng thông điệp “Hungary trước tiên”.

Tuy là lãnh đạo quốc gia đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) tán thành chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016, ông Orban ngược lại không nằm trong danh sách các nguyên thủ được mời đến thăm Nhà Trắng trong hơn 2 năm qua. Nhưng sau nỗ lực vận động hành lang của Hungary, sự hiện diện của Thủ tướng Orban tại Washington tuần này được cho sẽ mở ra cơ hội với Budapest.

Phát biểu trên đài phát thanh, ông Orban cho biết một trong những vấn đề quan trọng nhất tại cuộc họp là làm thế nào tăng cường hợp tác Mỹ-Hung trong “cuộc chiến” chống di cư. Về phía Washington, một quan chức cấp cao xác định chuyến thăm của Thủ tướng Orban nằm trong chiến lược tái cam kết của chính quyền Trump ở Trung và Đông Âu cũng như nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy hợp tác, cam kết giữa các nước khu vực với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và những quốc gia láng giềng. Quan chức này nói rõ cuộc gặp Trump- Orban chủ yếu củng cố quan hệ chiến lược giữa các đồng minh, không nhất thiết giải quyết mọi vấn đề trong chương trình nghị sự song phương.

So với những màn chỉ trích và thái độ phớt lờ dưới thời người tiền nhiệm George W. Bush lẫn Barack Obama, giới phân tích cho rằng cuộc hội kiến cùng Tổng thống Trump sẽ là “chiến thắng” góp phần tăng vị thế cho chính phủ cánh hữu của ông Orban trong bối cảnh quan hệ giữa Washington với một số đồng minh châu Âu thân cận như Đức, Pháp ngày càng xấu đi. Sự “chệch hướng” này có thể thấy qua việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đột ngột hủy cuộc họp với Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng thời điểm Nhà Trắng công bố chuyến thăm của ông Orban.

Dẫu vậy, các cố vấn của ông Trump đồng thời cảnh báo nguy cơ bất đồng khi Hungary đang trở thành một đồng minh ngày càng khó lường. Đối với các nhà ngoại giao Mỹ, lời mời thăm Washington không nhất thiết là “cử chỉ thiện chí” đối với lãnh đạo Hungary khi nhiều thành viên cao cấp của đảng Cộng hòa và Dân chủ hợp lực kêu gọi ông Trump hủy bỏ cuộc gặp nói trên do lo ngại “sự xuống cấp của nền dân chủ” dưới thời ông Orban, bên cạnh những bất an về quan hệ chặt chẽ giữa Budapest với Nga và Trung Quốc.

Kể từ năm 2014, Thủ tướng Orban không ngừng theo đuổi chủ trương “mở cửa về phía Đông”. Trong chuyến thăm Hungary hồi tháng 2, Ngoại trưởng Pompeo với nhiệm vụ truyền tải lo ngại của Washington về việc các quốc gia châu Âu cần hạn chế hợp tác với Trung Quốc và Nga trong nhiều lĩnh vực, đã lên tiếng cảnh báo Budapest về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh và Mát-xcơ-va tại quốc gia Đông Âu này. Trong đó bao gồm khuyến cáo rủi ro an ninh liên quan tập đoàn Huawei cùng với lời kêu gọi dừng hợp tác năng lượng với Nga để đảm bảo an ninh năng lượng châu Âu. Đáp lại, Hungary cứng rắn cho biết nước này vẫn duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc và Nga. Do đó, trước cuộc gặp tại Phòng Bầu dục, Chủ tịch Viện nghiên cứu Hudson Ken Weinstein cho rằng chính quyền Trump một mặt chủ trương tăng cường hợp tác quốc phòng với Budapest, nhưng ẩn ý thực sự có thể liên quan mối quan hệ giữa Hungary với Trung Quốc - quốc gia đang leo thang tranh chấp thương mại với Mỹ.

MAI QUYÊN (Theo Politico, Reuters)

Chia sẻ bài viết