HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, Reuters)
Hàng chục ngàn người Serbia hôm 8-5 đã xuống đường biểu tình, yêu cầu siết chặt an ninh, cấm chiếu nội dung bạo lực trên truyền hình và đòi các bộ trưởng chủ chốt từ chức. Biểu tình nổ ra vài ngày sau khi quốc gia vùng Balkan rúng động bởi hai vụ xả súng liên tiếp làm chết 17 người.

Người dân Serbia tuần hành chống bạo lực ở thủ đô Belgrade. Ảnh: AFP
Đám đông đã tổ chức tuần hành ở trung tâm thủ đô Belgrade với khẩu hiệu “Serbia chống bạo lực”. Họ tập trung trước tòa nhà Quốc hội Serbia, sau đó tràn xuống nhiều tuyến đường gần các văn phòng chính phủ. “Chúng tôi tập trung tại đây để phúng viếng những người đã mất và nỗ lực hết mình để điều này không bao giờ tái diễn ở bất cứ nơi đâu nữa”, Borivoje Plecevic chia sẻ khi tham gia biểu tình.
Ngày 3-5, một nam sinh đã mang 2 khẩu súng vào trường tiểu học ở Belgrade và bắn chết 8 học sinh cùng 1 bảo vệ. Đây là vụ xả súng hàng loạt trong trường học đầu tiên tại Serbia. Hôm sau, 8 người khác thiệt mạng trong vụ xả súng gần thị trấn cách Belgrade khoảng 60km về hướng Nam. Cả 2 nghi phạm trong các vụ xả súng này, gồm một thanh thiếu niên 13 tuổi và một thanh niên 20 tuổi, đang bị giam giữ.
Những người biểu tình đã yêu cầu đóng cửa những nhà đài và tờ báo mà họ cáo buộc là cổ súy bạo lực, nội dung thô tục. Trong khi đó, các đảng đối lập tố Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và đảng Cấp tiến Serbia (SNS) cầm quyền của ông độc đoán, đàn áp tự do báo chí, dùng bạo lực chống đối thủ chính trị, tham nhũng và bắt tay với tội phạm có tổ chức.
Đáp lại, ông Vucic và các đồng minh phủ nhận những cáo buộc trên. Tổng thống Vucic cho rằng những người biểu tình đang tìm cách buộc ông từ chức và gây bất ổn cho đất nước. Ông nói sẵn sàng kiểm tra mức độ tín nhiệm của SNS trong cuộc bầu cử sớm, nhưng không nêu rõ ngày bỏ phiếu. Bầu cử Quốc hội Serbia dự kiến diễn ra vào năm 2026 và bầu cử tổng thống vào năm 2027.
Người biểu tình đồng thời kêu gọi Bộ trưởng Nội vụ Bratislav Gasic và Giám đốc cơ quan an ninh quốc gia Aleksandar Vulin từ chức, giải tán Ủy ban Quản lý truyền thông điện tử trong vòng một tuần. Hồi cuối tuần qua, Bộ trưởng Giáo dục Branko Ruzic đã từ chức để thể hiện trách nhiệm đối với vụ xả súng tại trường học ở Belgrade. Phe biểu tình còn muốn quốc hội tổ chức phiên họp khẩn và mở cuộc tranh luận về tình an ninh tổng thể. Các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại nhiều thành phố khác của Serbia, bao gồm Novi Sad.
Chính phủ hành động
Theo các chuyên gia tâm lý, bạo lực phổ biến trong xã hội Serbia, nhưng điều này đang trở nên nguy hiểm đến mức cần có những thay đổi đáng kể ở mọi khía cạnh của xã hội để ngăn chặn những vụ xả súng hàng loạt khác. Nhà tâm lý học Marina Nadejin Simic lo ngại việc nhiều trẻ mê trực tuyến hơn thế giới thực, khiến những kỹ năng xã hội và cảm xúc của chúng phát triển không hoàn chỉnh.
Sau các vụ xả súng, Tổng thống Vucic tuyên bố sẽ “tước vũ khí” của Serbia bằng một kế hoạch đầy tham vọng là trấn áp những khẩu súng phi pháp và hợp pháp tại nước này. Cảnh sát Serbia hôm 8-5 đã khởi động một tháng ân xá để chủ sở hữu giao nộp vũ khí trái phép. Trong ngày đầu tiên, có hơn 1.500 vũ khí đã được giao nộp. 1.000 cảnh sát sẽ được bố trí tại các trường học, trong khi tăng gần gấp đôi biện pháp trừng phạt hành vi sở vũ khí trái phép. Chính phủ Serbia cũng đã quyết định cấm cấp giấy phép sử dụng súng mới trong 2 năm và rà soát các giấy phép hiện có của hàng trăm ngàn người để cuối cùng chỉ còn 30.000-40.000 người sở hữu súng hợp pháp.
Với gần 39/100 người sở hữu súng, Serbia có tỷ lệ sở hữu súng cao thứ ba thế giới (xếp sau Mỹ và Yemen) và cao nhất châu Âu, theo tổ chức Khảo sát vũ khí nhỏ. Serbia có văn hóa sở hữu súng từ lâu nay, đặc biệt ở vùng nông thôn, song cũng có luật kiểm soát súng nghiêm ngặt. Sau chiến tranh hồi thập niên 1990 khiến Nam Tư cũ tan rã, toàn bộ các quốc gia vùng Tây Balkan, trong đó có Serbia, tràn ngập hàng trăm ngàn vũ khí trái phép. Tuy nhiên, các vụ xả súng hàng loạt tương đối hiếm ở Serbia. Vụ xả súng đẫm máu nhất tại nước này kể từ thập niên 1990 là 14 người chết ở làng Velika Ivanca, do hung thủ Ljubisa Bogdanovic ra tay vào năm 2013. |