Trong những năm gần đây, Bắc Cực đã trải qua những biến đổi mạnh mẽ, gây ra nhiều lo ngại trên toàn cầu. Đơn cử, diện tích Đảo Mesyatsev, một vùng băng cổ đại ở Bắc Cực, chỉ trong hơn 15 năm đã giảm 99,7%, từ 1,1 triệu mét vuông xuống gần như biến mất hoàn toàn khỏi bản đồ Bắc Cực.
Một tàu phá băng của Nga ở Bắc Cực. Ảnh: X Screengrab
Dữ liệu “gây sốc” nói trên do một nhóm nghiên cứu công bố hồi tháng 11 năm ngoái, qua đó cho thấy tác động “ghê gớm” của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái tại Bắc Cực.
Thật vậy, Bắc Cực đang thay đổi nhanh chóng. Trong 50 năm qua, khu vực đã ấm lên nhanh gấp 4 lần so với các khu vực khác trên toàn cầu. Hiện tượng này được gọi là “sự khuếch đại của Bắc Cực”. Năm 2023, khu vực đã phải trải qua mùa hè nóng nhất từ trước đến nay, khiến băng biển và tầng đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy, qua đó tạo ra thách thức đối với cơ sở hạ tầng ở Bắc Cực. “Bắc Cực tan chảy đặt ra những thách thức mới và làm trầm trọng thêm những thách thức hiện có đối với các quốc gia và cộng đồng ở Bắc Cực. Sự xuống cấp của tầng đất đóng băng vĩnh cửu đã gây ra thiệt hại cho cơ sở hạ tầng” - Samuel Jardine, nhà nghiên cứu chính trị tại cơ quan tư vấn London Politica, lo ngại.
Dự kiến, đến năm 2100, 34% người dân sống ở Bắc Cực sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, bởi chi phí bảo trì cơ sở hạ tầng có khả năng “ngốn” tới con số 572 tỉ USD. Song, bất chấp những rủi ro nghiêm trọng về khí hậu, Bắc Cực vẫn là một trong những khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên nhất hành tinh. Theo đánh giá của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), Bắc Cực là nơi chứa khoảng 13% (tương đương 90 tỉ thùng) tài nguyên dầu mỏ thông thường cũng như 30% tài nguyên khí đốt tự nhiên chưa được khám phá của thế giới. Trong đó, Nga sở hữu 52% và Na Uy nắm giữ 12% trữ lượng dầu mỏ và khí đốt ở Bắc Cực. Năm 2023, một công ty khai thác của Thụy Điển tuyên bố đã phát hiện ra mỏ nguyên tố đất hiếm lớn nhất ở châu Âu, qua đó tiếp tục thúc đẩy sự quan tâm đến việc khai thác tài nguyên ở Bắc Cực.
Tuy nhiên, việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Bắc Cực đang đặt ra những rủi ro mới cho môi trường, bởi bất kỳ sự cố tràn dầu nào cũng có thể đe dọa cá, chim cũng như các loài sinh vật khác vốn giữ vai trò thiết yếu đối với chuỗi thức ăn địa phương. Chưa kể, các hoạt động khai thác có thể tạo ra chất thải độc hại, phá hủy môi trường sống quan trọng, chẳng hạn như môi trường sống của cá hồi.
Đáng lo ngại, việc đổ xô tiếp cận Bắc Cực đang thúc đẩy cuộc cạnh tranh địa chính trị về tài nguyên thiên nhiên tại khu vực. “Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến các tuyến đường di cư của các loài cá thiết yếu đối với ngành đánh bắt cá, tạo ra cuộc xung đột giữa các quốc gia về hạn ngạch và khu vực đánh bắt cá. Trong vài năm qua, tranh chấp chính trị sâu rộng đã nổ ra ngay cả giữa các quốc gia từng là đối tác địa chính trị như Anh, Liên minh châu Âu và Na Uy xung quanh hạn ngạch đánh bắt cá” - ông Jardine cho biết.
Theo ông Jardine, những vụ việc trên tương đối nhỏ nhưng căng thẳng có khả năng gia tăng khi trữ lượng cá tiếp tục thay đổi, từ đó tạo ra hàng loạt các vấn đề về an ninh. “Băng tan và nhiệt độ ấm lên khiến việc tiếp cận tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên dưới đáy biển, dễ dàng hơn, từ đó dẫn đến nhiều vấn đề. Chẳng hạn, việc Na Uy tìm cách khai thác Vùng đặc quyền kinh tế của nước này để khai thác dưới đáy biển khiến các yêu sách xung đột đối với đáy biển Bắc Cực, đặc biệt là giữa Nga, Đan Mạch và Canada, trở thành vấn đề cấp thiết” - ông Jardine lo ngại.
Một rủi ro an ninh khác là sự gia tăng lưu lượng vận chuyển ở Bắc Cực. Theo ông Jardine, tình trạng băng tan ở Bắc Cực dự kiến sẽ mở ra 3 tuyến đường vận chuyển mới trong thế kỷ này mà trên lý thuyết đều sẽ nhanh hơn đáng kể so với các tuyến đường truyền thống. Song, cả 3 tuyến đường này đều tồn tại các vấn đề chính trị ở các mức độ khác nhau nhưng “điểm nóng” lớn nhất có khả năng xảy ra là Tuyến đường biển phía Bắc (NSR). Trong khi Nga tuyên bố NSR nằm trong vùng lãnh hải của nước này, Mỹ và một số quốc gia bác bỏ tuyên bố đó.
Báo cáo thường niên của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch nhận định căng thẳng an ninh đang lan rộng đến Bắc Cực và nguy cơ leo thang xung đột ở vùng lục địa rộng lớn này gia tăng “chưa từng có”. Bắc Cực chiếm hơn 1/6 diện tích bề mặt đất liền của Trái đất, bao gồm vùng Bắc Cực và các dải băng dày đến 20m. Khu vực này đang trở thành tâm điểm tranh giành ảnh hưởng giữa các siêu cường thế giới, khi các nguồn tài nguyên phong phú và tuyến đường chiến lược dần lộ diện. Ngoài ra, Bắc Cực cũng có tầm quan trọng chiến lược về quân sự vì đây là khu vực triển khai tàu ngầm hạt nhân, có thể ẩn dưới băng và trong trường hợp xảy ra xung đột, có thể tấn công hầu hết Bắc Mỹ và châu Âu.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)