05/05/2011 - 09:40

Cuộc đời trùm khủng bố số 1 thế giới

(tiếp theo và hết)

Tuy nhiên, cuối năm 1989 khi các phe phái ở Afghanistan xung đột, bin Laden trở lại Arabie Séoudite và nhận được tiền thừa kế khoảng 8 triệu USD. Y dùng số tiền này tái đầu tư vào tập đoàn gia đình. Trong quyển “The Bin Ladens” (Những người trong gia đình bin Laden), nhà báo Mỹ Steve Coll tiết lộ vào giai đoạn đầu thập niên 1970 đến đầu những năm 1990, y được gia đình chia lợi nhuận và trả lương hơn 1 triệu USD mỗi năm. Mặc dù không thể phủ nhận al-Qaeda hoạt động nhờ vào tiền túi của bin Laden, nhưng tổ chức này còn nhận được sự đóng góp không nhỏ từ mạng lưới do y vận động thành lập hồi cuộc chiến ở Afghanistan, bao gồm các tổ chức từ thiện, nhà tài trợ và các tổ chức chiêu mộ chiến binh thánh chiến. Sự quay về nước của bin Laden khiến quan hệ giữa y với chính quyền Arabie Séoudite trở nên căng thẳng trầm trọng. Giới chức Arabie Séoudite không đồng tình chuyện bin Laden bảo trợ các phần tử Hồi giáo ở Yemen trong khi y bất bình việc Quốc vương Fahd cho quân đội Mỹ hiện diện trên đất nước này trong cuộc chiến đẩy lùi binh lính Iraq khỏi Koweit.

Tin tức về cái chết của bin Laden trên báo chí Pakistan. Ảnh: AFP

Giữa năm 1991, bin Laden rời Arabie Séoudite tới Sudan định cư. Tại đây, y nhận được sự ủng hộ của nhà lãnh đạo Hassan al-Turabi, vốn có cùng quan điểm về việc thành lập nhà nước Hồi giáo thuần khiết. Bin Laden xúc tiến thành lập nhiều cơ sở làm ăn hợp pháp ở đây đồng thời bắt đầu phát triển al-Qaeda trở thành mạng lưới khủng bố toàn cầu nhằm tấn công Mỹ. Theo hồ sơ về vụ 11-9 của Mỹ, bin Laden trong thời gian ở Sudan đã chiêu mộ lực lượng từ khắp Trung Đông, châu Phi và Đông Nam Á. Ngoài ra, y còn cung cấp thiết bị, hỗ trợ huấn luyện các phần tử khủng bố ở Philippines, Kashmir, trợ giúp các phần tử Hồi giáo ở Tajikistan...

Sau khi nỗ lực thuyết phục bin Laden từ bỏ sự nghiệp khủng bố và trở lại Arabie Séoudite không thành, anh em trong gia đình đã tuyên bố từ y vào tháng 2-1994. Y cũng bị chính quyền Arabie Séoudite tước quyền công dân.

* Tuyên chiến với phương Tây

Dưới sức ép của Arabie Séoudite, Mỹ và các nước khác, chính quyền Sudan buộc phải trục xuất bin Laden vào tháng 5-1996 và tịch thu nhiều tài sản của y. Sau khi chuyển tới thành phố Jalalabad của Afghanistan, bin Laden công bố tài liệu đầu tiên tuyên chiến với Mỹ, chính thức mở chiến dịch bạo lực nhằm vào lợi ích của phương Tây.

Tại Afghanistan, bin Laden phát triển quan hệ gần gũi với thủ lĩnh Taliban Mullah Mohammed Omar. Không những nói “không” với yêu cầu dẫn độ y của Mỹ và Arabie Séoudite, thủ lĩnh Taliban còn ra sức che chở y. Sau khi củng cố lại mạng lưới quyên tiền cho al-Qaeda, bin Laden lại trở nên giàu có, đủ sức hỗ trợ Taliban cũng như củng cố sức mạnh của al-Qaeda. Tình báo Mỹ ước tính tổng số tay súng dưới trướng của bin Laden ở Afghanistan giai đoạn 1996-2001 khoảng 10.000 tới 20.000 tên.

Đầu năm 1998, sau một thời gian chia tách, bin Laden bắt tay lại với bác sĩ Ayman al-Zawahiri và cả hai thành lập liên minh mới - Mặt trận Hồi giáo quốc tế vì Thánh chiến chống quân xâm lược và Do Thái. Vai trò của al-Qaeda trong việc tổ chức các hoạt động cũng thay đổi. Thay vì cấp tiền, huấn luyện và tài trợ vũ khí để thành viên của các tổ chức đồng minh thực hiện như trước, bin Laden và các trợ lý thân tín của mình trực tiếp lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công riêng.

Cuối năm 1998, các thuộc hạ của al-Qaeda đánh bom đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania, làm 224 người chết và hàng ngàn người bị thương. Tổng thống Mỹ khi đó Bill Clinton ra lệnh bắn tên lửa vào các mục tiêu của al-Qaeda ở Afghanistan và Sudan, nhưng bin Laden không hề hấn gì. Tháng 10-2000, al-Qaeda tấn công lần nữa, đánh thủng tàu khu trục USS Cole của Mỹ ở Yemen, làm 17 thủy thủ thiệt mạng và 30 người khác bị thương. Theo kế hoạch tấn công ngày 11-9-2001, bin Laden ban đầu yêu cầu cướp 10 máy bay và đâm vào các mục tiêu trọng yếu, nhưng rốt cuộc chỉ có 3 máy bay bị cướp.

Các chính quyền ở Mỹ chưa bao giờ có ý định bắt sống bin Laden. Phát biểu trước Quốc hội vào tháng 3-2010, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder dự đoán kẻ cầm đầu mạng lưới khủng bố al-Qaeda “sẽ bị chúng ta tiêu diệt hoặc y sẽ bị sát hại bởi chính người của mình để chúng ta không thể bắt sống y”.

N. MINH (Theo Washington Post)

CHIẾN DỊCH TIÊU DIỆT BIN LADEN

Công nghệ quân sự giúp cuộc đột kích diễn ra thuận lợi

Thành công của cuộc đột kích vào khu vực ẩn náu của trùm khủng bố Osama bin Laden ở Pakistan có sự đóng góp quan trọng của công nghệ quân sự: dùng máy bay không người lái để thu thập thông tin và gửi về cơ quan chỉ huy. Các bức ảnh được công bố sau chiến dịch tiêu diệt bin Laden cho thấy Tổng thống Mỹ Barack Obama và các quan chức cấp cao đã ở trong phòng tình huống của Nhà Trắng để theo dõi cuộc đột kích kéo dài 40 phút.

Theo sơ đồ “chiến trường số” của Mỹ, một máy bay không người lái ghi hình mọi hoạt động của mục tiêu ở bên dưới và phát thẳng đến vệ tinh để truyền về cơ quan chỉ huy chiến dịch. Cùng lúc đó, máy bay cũng đưa hình trực tiếp đến hệ thống máy thu hình nhỏ gọn gắn ngay trên nón bảo hiểm của lính biệt kích. Thiết bị này, với màn hình chiếu thẳng vào một bên mắt, cho phép lực lượng đặc nhiệm quan sát bản đồ số.

Trung tướng David Deptula, cựu chỉ huy cơ quan tình báo Không quân Mỹ, cho rằng chiến dịch này có lẽ đã không thành công nếu thiếu máy bay do thám điều khiển từ xa, thứ có thể lượn lờ trên không và thu thập thông tin chi tiết về một vị trí đặc biệt hoặc một nhóm người hàng giờ liền. Theo ông, “máy bay không người lái có thể làm những việc mà vệ tinh trên trời hoặc con người dưới mặt đất không thể làm được”.

THANH TRÚC (Theo Wall Street Journal)


Chia sẻ bài viết