|
Osama bin Laden, kẻ gây ra vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9 tại Mỹ.
Ảnh: AP |
|
Sinh ra trong một gia đình giàu có ở Arabie Séoudite, hơn 2 thập niên qua, Osama bin Laden đã lãnh đạo cuộc thánh chiến chống Mỹ. Bản thân trùm khủng bố 54 tuổi này cũng từng tiên đoán y sẽ chết dưới tay quân đội Mỹ.
Nền tảng gia đình
Năm 1925, lúc còn rất trẻ, cha của Osama bin Laden, ông Mohammed bin Laden, di cư từ vùng Hadramawt (Yemen) tới khu vực sau này trở thành vương quốc Arabie Séoudite. Nhờ cần mẫn, Mohammed từng bước tạo lập tên tuổi trong ngành xây dựng. Cuối thập niên 1930, ông lập công ty riêng và trúng thầu nhiều dự án xây dựng cung điện cho hoàng gia. Thời đó, ông cũng được giao thực hiện nhiều dự án lớn tại quốc gia giàu dầu mỏ. Mohammed lấy nhiều vợ và sinh hàng chục đứa con. Năm 1956, ông cưới Alia al-Ghanem, 14 tuổi, con một gia đình nông dân đến từ Syrie. Một năm sau, Alia hạ sinh Osama, theo tiếng A-rập có nghĩa “sư tử con”.
Ông Mohammed chia tay Alia từ khi Osama còn bé và sắp xếp để Alia tái hôn với Mohammed al-Attas, một quản lý trong công ty của gia đình. Tất cả người thân và bạn bè của bin Laden đều cho rằng thời niên thiếu, y trầm tĩnh với thói quen thích cưỡi ngựa, nghiên cứu đạo Hồi và cầu nguyện. Mặc dù mẹ đi thêm bước nữa nhưng Osama vẫn được thừa nhận là thành viên của gia đình bin Laden. Cũng như các anh em khác trong gia đình, Osama được để tang cho cha khi ông Mohammed tử nạn máy bay năm 1967.
Năm 17 tuổi, Osama lấy vợ vốn là em họ 14 tuổi ở Syrie. Sau khi nghỉ học đại học, y lấy vợ hai và vợ ba. Sau này, y được biết kết hôn thêm 2 lần nữa và có ít nhất 23 người con.
Bước theo con đường thánh chiến
Khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan cuối năm 1979, các tín đồ Hồi giáo khắp thế giới đổ xô tham gia phong trào chống quân Liên Xô. Trong những năm đầu, bin Laden hoạt động chủ yếu là hỗ trợ về mặt tinh thần, quyên góp tiền cho các phần tử nổi dậy ở Afghanistan. Cũng trong thời gian đó, y kết giao với giáo sư người Palestine Abdullah Azzam chuyên nghiên cứu về Hồi giáo cực đoan. Qua người này, bin Laden biết đến khái niệm thánh chiến xuyên quốc gia.
Năm 1986, bin Laden đưa gia đình tới Peshawar (Pakistan) và ngày càng tích cực tham gia cuộc chiến chống quân đội Liên Xô ở Afghanistan. Khoảng thời gian này, y có bài phát biểu đầu tiên lên án Mỹ vì nước này đã ủng hộ Israel. Cũng tại Peshawar, bin Laden gặp gỡ các thành viên của tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Ai Cập, đáng chú ý là Ayman al-Zawahiri, bác sĩ phẫu thuật từng bị Ai Cập bỏ tù vì âm mưu chống chính quyền. Zawahiri sau này trở thành “phó tướng” trong mạng lưới khủng bố toàn cầu al-Qaeda do bin Laden sáng lập.
Không muốn chỉ đơn thuần bơm tiền giúp chống Liên Xô, bin Laden quyết định gầy dựng lực lượng chiến binh A-rập tại vùng núi dọc biên giới AfghanistanPakistan, và lập căn cứ đặt tên là “Hang sư tử” ở phía Đông Afghanistan. Bên cạnh đó, tận dụng các thiết bị xây dựng của công ty gia đình, y còn đứng ra mở đường dẫn lên phía Bắc tới Tora Bora, vùng núi ở miền Đông Afghanistan vốn có nhiều hang động, nhằm làm nơi ẩn náu và giấu vũ khí. Khi quân Liên Xô tấn công căn cứ bin Laden mùa xuân 1987, y và các tay súng A-rập đã đáp trả. Từ đó, bin Laden được thừa nhận là chiến binh. Năm 1988, sau khi Mát-xcơ-va tuyên bố kế hoạch bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan, bin Laden phát triển lực lượng chiến binh A-rập với qui mô lớn hơn và theo đường hướng thánh chiến. Y và các thuộc hạ đặt tên cho tổ chức mới là al-Qaeda al-Askariya (Căn cứ quân sự).
N. MINH (Theo Washington Post)
(còn tiếp)