13/09/2010 - 09:03

Cuộc chiến Afghanistan với sự trỗi dậy của Taliban

Kỳ 1: Taliban không chỉ là Taliban

Hầu hết các vụ bạo lực ở Afghanistan thường được quy do Taliban gây ra, nhưng thực tế thì có nhiều nhóm nổi dậy chống chính quyền Kabul và các lực lượng phương Tây. Các nhóm này cũng “mạo nhận” là Taliban, mặc dù chúng hành động độc lập với cơ cấu chỉ huy, lý tưởng và chiến lược riêng.

Ngày 18-9 tới, Afghanistan sẽ bước vào cuộc bầu cử Quốc hội mới, với những lo ngại về nguy cơ bùng phát bạo lực và gian lận, do tình hình an ninh ngày càng tệ hơn sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 8 năm ngoái. Hôm 5-9, các thủ lĩnh Taliban lần đầu tiên công khai đe dọa sẽ phá hoại cuộc bầu cử này. Trong khi đó, sau gần 9 năm phát động cuộc chiến, Mỹ và Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dẫn đầu gần như không thể đạt được mục đích tiêu diệt Taliban. Những diễn biến gần đây cho thấy các lực lượng nổi dậy từ Afghanistan và Pakistan dường như đã hợp nhất lại, tiếp tục tuyển mộ và huấn luyện các tay súng chống sự hiện diện của quân đội nước ngoài… Để có cái nhìn toàn diện hơn về tình hình Afghanistan hiện nay, Báo Cần Thơ xin trích giới thiệu loạt bài tư liệu về Taliban, những tổ chức có liên quan và cách Mỹ đối phó trước sự trỗi dậy của lực lượng Hồi giáo này.

Các nghi can Taliban bị bắt cùng với vũ khí của chúng tại Ghazni hôm 2-9. Ảnh: AP

Dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Mullah Omar và các phần tử cực đoan trong chính quyền Afghanistan thập niên 1990, Taliban là nhóm được tổ chức chặt chẽ nhất, hoạt động mạnh ở các tỉnh miền Nam như Kandahar và Helmand. Các quan chức Mỹ tin rằng những thủ lĩnh chủ chốt của Taliban đã thiết lập cơ sở ở Pakistan, có thể là ở Quetta, thủ phủ tỉnh Baluchistan.

Nhóm Hizb-e-Islami, do lãnh chúa Gulbuddin Hekmatyar thành lập thập niên 1970 để chống chính quyền Kabul do Liên Xô bảo trợ và sau đó là quân đội Liên Xô, được xem là đồng minh cật ruột của Taliban. Suốt thập niên 1980, Hizb-e-Islami là đồng minh của Pakistan và Mỹ. Tuy nhiên, sau khi Mỹ tấn công Afghanistan năm 2001, một nhánh của Hizb-e-Islami do Hekmatyar cầm đầu, đã gia nhập lực lượng nổi dậy. Nhóm này mạnh nhất ở các khu vực phía Bắc Afghanistan. Trong khi các tay súng gia nhập Taliban vì nghèo khó và thất học, thì các thành viên Hizb-e-Islami được đến trường thường xuyên, kể cả vào đại học. Có lẽ vì vậy, nhóm này có tư tưởng “phóng khoáng hơn” so với các nhóm Hồi giáo nổi dậy khác, ví như thường cho phép tổ chức tiệc tùng và biểu diễn âm nhạc.

Thế nhưng, nhóm nổi dậy nguy hiểm nhất, theo các quan chức phương Tây, có lẽ là mạng lưới Haqqani. Đây là mạng lưới các tay súng đi theo Jalaluddin Haqqani, một đồng minh khác của Mỹ. Vài năm qua, con trai của Haqqani là Sirajuddin được tin là đang nắm quyền chỉ huy nhóm này. Mạng lưới Haqqani thường hoạt động độc lập, mặc dù có đôi lần phối hợp với Taliban và Hizb-e-Islami. Chúng đứng sau nhiều vụ tấn công liều lĩnh nhất thời gian gần đây, trong đó có loạt đánh bom nhiều trụ sở các bộ ngành thuộc chính phủ ở Kabul hồi tháng 2 và âm mưu ám sát Tổng thống Hamid Karzai năm ngoái. Các chuyên gia quân sự cho rằng trong số các nhóm nổi dậy, mạng lưới Haqqani có quan hệ gần gũi nhất với al-Qaeda. Các chỉ huy của mạng lưới này đóng căn cứ ở Bắc Waziristan, khu vực bộ tộc ở Pakistan và hoạt động mạnh ở khu vực phía Đông Afghanistan.

Nhiều tổ chức tội phạm và lãnh chúa ở Afghanistan cũng tự xưng là Taliban, với mục đích gây tiếng vang về sự tồn tại của chúng. Chẳng hạn nhóm địa phương Hizb-e-Islam Khalis hoạt động độc lập ở tỉnh Nangarhar và các khu vực ở tỉnh Kunar, phía Đông Afghanistan. Hàng chục tổ chức khác không phải Taliban, nhưng tư tưởng cực đoan tương tự Taliban và cũng chiến đấu chống chính quyền Kabul. Cuối năm 2007, 27 nhóm nổi dậy ở các khu vực bộ tộc Pakistan giáp giới Afghanistan đã sáp nhập để thành lập một phong trào ở đây dưới “cái ô” của Taliban là Tehreek-e-Taliban, do lãnh chúa Baitullah Mehsud làm thủ lĩnh. Tuy nhiên, tổ chức này dần bị chia rẽ bởi bất đồng về mục tiêu chiến đấu giữa một bên muốn chống cả chính quyền Pakistan lẫn Afghanistan với một bên chỉ tập trung vào Afghanistan. Sau thời gian phân tán, gần đây, 3 nhân vật quyền lực nhất Tehreek-e-Taliban là Mehsud, Maulavi Nazeer ở Nam Waziristan và Hafiz Gul Behadur ở Bắc Waziristan đã thành lập một liên minh để đáp trả các vụ không kích của Mỹ.

N. MINH (Tổng hợp)

Kỳ tới: Có hay không mối quan hệ Taliban và al-Qaeda?

TRẺ EM ĐƯỜNG PHỐ GIA TĂNG Ở AFGHANISTAN

Theo hãng tin Anh Reuters, chiến tranh và nạn tham nhũng đã đẩy hơn 600.000 trẻ em Afghanistan vào cảnh vô gia cư.

Kể từ năm 2001 đến nay, các tổ chức nước ngoài viện trợ cho Afghanistan khoảng 35 tỉ USD. Tuy nhiên, hầu hết các dự án phát triển và tiền viện trợ không đến được những nơi cần giúp đỡ. Do đó, nhiều trẻ em phải tự bươn chải để mưu sinh. Có hàng loạt hiểm nguy luôn rình rập các em, từ ma túy, các băng nhóm tội phạm, phiến quân đến nạn bóc lột sức lao động và lạm dụng tình dục.

Để có cơm ăn áo mặc và tránh bị xâm hại, nhiều em chọn con đường đi theo Taliban. Ở đây, nhiều đứa trẻ được trang bị súng, được dạy cách chiến đấu và ra chiến trường.

BẢO TRÂM

 

Chia sẻ bài viết