14/09/2014 - 08:07

Cùng hội chứ không cùng thuyền

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua đã tới Ai Cập, tiếp nối chuyến thăm Trung Đông vận động các nước A-rập tham gia liên minh toàn cầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syrie, nhiệm vụ mà ông vừa thừa nhận là hết sức khó khăn và phức tạp. Dù nhiều nước đã cam kết ở mức độ khác nhau, từ hỗ trợ nhân đạo, kiểm soát biên giới cho đến cung cấp thông tin tình báo và vũ khí cho phe nổi dậy cũng như lực lượng an ninh tại Iraq và Syrie, nhưng ông Kerry cho hay Mỹ chưa nhận được “sự hậu thuẫn nghiêm túc” từ các quốc gia có vai trò then chốt trong cuộc chiến dài hơi chống IS.

Ông Kerry muốn nói đến đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Mỹ có căn cứ không quân trọng yếu Incirlik ở phía Nam có thể giúp tấn công vào Iraq và Syrie. Tuy nhiên, tân Thủ tướng Ahmed Davusoglu giải thích ở Iraq và Syrie đang có quá “nhiều thách thức và mối đe dọa” đối với Ankara. Ông Davusoglu đề cập đến gần 50 con tin Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang bị các tay súng IS giam giữ tại Iraq và việc nhiều nước phương Tây trang bị vũ khí cho phiến quân người Kurd cả ở Iraq lẫn Syrie. Ankara quan ngại phiến quân người Kurd tại Iraq và Syrie một khi lớn mạnh hơn về mặt quân sự sẽ phối hợp với phe đòi ly khai người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ trực diện đương đầu vũ trang đòi thành lập nhà nước độc lập riêng.

Ankara nằm trong “liên minh cốt lõi” (như mô tả của ông Kerry) gồm các nước Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Ý, Đan Mạch, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ và Úc. Thế nhưng, dường như không một nước nào thật sự sẵn sàng tham gia chiến dịch không kích của Mỹ. Trong chuyến thăm Baghdad bất ngờ hôm 12-9, Tổng thống Francois Hollande mập mờ tuyên bố Pháp có thể tấn công IS nhưng chỉ tại Iraq “nếu cần thiết”. Paris cũng tỏ ra không đồng quan điểm chính trị với Mỹ khi muốn mời Iran và chính quyền Tổng thống Syrie Bashar al-Assad hợp tác tiêu diệt IS. Ngoại trưởng Mỹ thậm chí phản đối Pháp mời Iran tham gia hội nghị quốc tế bàn kế hoạch triệt hạ IS tại Paris vào ngày 15-9.

Bản thân chiến lược “nhổ cỏ tận gốc” phiến quân IS mà Tổng thống Barack Obama vừa công bố cũng không nhận được sự ủng hộ toàn ý của giới lãnh đạo và công chúng Mỹ, bởi nó không đảm bảo hồi kết thành công tại chiến trường mà nước này từng buộc phải thoái lui và giờ đây lại thêm chiến địa mới Syrie. Liên minh quốc tế rộng lớn với những cam kết chung chung xuất phát từ lợi ích quốc gia khác nhau thì không thể cùng hội cùng thuyền.

KIẾN HÒA (Theo AP, Reuters)

KIẾN HÒA (Theo AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết