30/07/2011 - 20:00

Phổ cập trung học cơ sở

Còn nhiều việc phải làm

Chỉ thị 61- CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc thực hiện phổ cập trung học cơ sở (gọi tắt là Chỉ thị 61), là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương tổ chức thực hiện phổ cập giáo dục THCS. Sau 10 năm thực hiện, đến nay tất cả các xã, phường, thị trấn ở TP Cần Thơ đã đạt chuẩn phổ cập THCS, làm nền tảng phổ cập bậc trung học. Tuy đạt được những kết quả khả quan, nhưng tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 61, do Ban Thường vụ Thành ủy TP Cần Thơ vừa tổ chức, công tác này vẫn còn nhiều việc cần tập trung thực hiện trong thời gian tới…

* Những thành quả nổi bật...

Sau khi Chỉ thị 61 được triển khai, Tỉnh ủy Cần Thơ trước đây đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về việc thực hiện phổ cập giáo dục THCS giai đoạn 2001-2005. Trên cơ sở Chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 73/2001/QĐ-UBND về phê duyệt đề án phổ cập giáo dục THCS tỉnh Cần Thơ giai đoạn 2001-2005. Ngay sau khi Quyết định được triển khai, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã xây dựng kế hoạch phổ cập giáo dục THCS cụ thể, phù hợp với địa phương mình để triển khai thực hiện. Song song đó, qua từng giai đoạn, Thành ủy cũng như UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, nhắc nhở việc tổ chức thực hiện công tác phổ cập phù hợp với tình hình thực tế của thành phố. Một trong những việc làm đầu tiên của các quận, huyện là thành lập Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập- Chống mù chữ - Phổ cập giáo dục các cấp. Ban chỉ đạo đã phối hợp với các ban, ngành liên quan để đẩy mạnh công tác phổ cập. Chẳng hạn, phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và xã hội hỗ trợ dạy nghề cho các lớp phổ cập trung học, trợ cấp thường xuyên cho trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Liên đoàn Lao động có trách nhiệm vận động con, em trong độ tuổi phổ cập đi học; đồng thời, phối hợp nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp trong công nhân, viên chức. Phối hợp với Thành đoàn, Hội Khuyến học, Hội Liên hiệp Phụ nữ... để vận động và hỗ trợ các đối tượng phổ cập... Bằng sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành đoàn thể, công tác phổ cập nói chung và phổ cập giáo dục THCS nói riêng đã đạt nhiều thành tích đáng phấn khởi. Cơ sở vật chất tiếp tục được củng cố và đầu tư theo hướng kiên cố hóa và chuẩn hóa. Giai đoạn 2006-2010, kinh phí đầu tư xây dựng phục vụ cho giáo dục của thành phố trên 320 tỉ đồng.

Thời gian qua, nhiều trường THPT trên địa bàn TP Cần Thơ được xây dựng mới tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phổ cập bậc trung học. Trong ảnh: Lễ khánh thành Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, quận Ninh Kiều. 

Sự quan tâm đầu tư ấy đã giúp các địa phương từng bước hoàn thiện mạng lưới trường lớp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phổ cập giáo dục. Chẳng hạn như tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, vào năm 2001, toàn xã chỉ có 4 trường nhỏ hẹp cũ kỹ, trang thiết bị còn nhiều thiếu thốn. Mặt bằng dân trí của xã thấp, tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học chỉ đạt 38%, thanh thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp THCS chỉ có 59,3%. Đội ngũ giáo viên thiếu và yếu, chỉ có 56% giáo viên đạt chuẩn. Vì thiếu phòng học nên nhiều học sinh còn phải học trong những phòng học tre lá. Ông Bùi Văn Hoàng, Trưởng Ban Chỉ đạo giáo dục xã Nhơn Ái, kể: “Trước thực tế trên, Đảng ủy xã Nhơn Ái đã đưa chỉ tiêu về công tác phổ cập giáo dục vào Nghị quyết của Đảng ủy, giao chỉ tiêu, phân công trách nhiệm cho từng tổ chức, ban, ngành, đoàn thể để cùng chăm lo cho giáo dục...”. Sự đồng lòng của Đảng ủy, Chính quyền và nhân dân xã Nhơn Ái đã mang đến những kết quả khả quan. Sau 10 năm triển khai công tác phổ cập giáo dục THCS, xã Nhơn Ái đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, 1 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia và hầu hết giáo viên đầu đạt và vượt chuẩn... Toàn xã không còn phòng học tạm, không còn phòng học tre lá và xóa bỏ hoàn toàn tình trạng học ca 3...

Bên cạnh tập trung chuẩn hóa các phòng học, ngành giáo dục còn đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Đến cuối năm 2010, toàn thành phố có 39 trường đạt chuẩn quốc gia. Với cơ sở vật chất hiện có, TP Cần Thơ đã xóa bỏ hoàn toàn tình trạng học 3 ca, học sinh không phải học trong những phòng học tre lá... Trường lớp khang trang, giáo viên cũng không ngừng học tập, nâng cao trình độ. Nếu như trong những năm 1980, các địa phương đều thiếu giáo viên trầm trọng, tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn còn khá cao... thì hiện nay toàn thành phố có hơn 10.695 giáo viên các cấp, trong đó, có 90,16% giáo viên mầm non, 93,3% giáo viên tiểu học, 97,76% giáo viên THCS và 98,4% giáo viên THPT đạt và vượt chuẩn... Trường lớp được đầu tư xây dựng, đội ngũ giáo viên đông đủ và được chuẩn hóa chính là một trong những điều kiện cần thiết để thực hiện thành công phổ cập các cấp học. Đến nay, toàn thành phố 85/85 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; trẻ trong độ tuổi 11 đến 14 hoàn thành chương trình tiểu học đạt tỷ lệ 97,38%; trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt tỷ lệ 99,24%. Học sinh tốt nghiệp THCS (cả 2 hệ) đạt tỷ lệ 98,33%; thanh thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt tỷ lệ 85,3%...

* Tiếp tục nâng cao dân trí

Tuy nhiên, Hội nghị cũng đánh giá công tác phổ cập giáo dục THCS thời gian qua vẫn chưa đáp ứng so với yêu cầu của thành phố. Tuy đạt chuẩn phổ cập THCS nhưng tỷ lệ đạt chuẩn chưa cao và tăng không nhiều hằng năm. Chẳng hạn, hiện số trẻ trong độ tuổi từ 11 đến 14 hoàn thành chương trình tiểu học của toàn thành phố là 51.524/ 52.911 trẻ, đạt tỷ lệ 97,38% (năm 2004 chỉ tiêu này đạt 95,1%); số học sinh tốt nghiệp THCS (cả hai hệ) có 11.560/11.756, đạt tỷ lệ 98,33% (năm 2004 chỉ tiêu này đạt 97,2%). Ở chỉ tiêu quan trọng nhất quyết định đạt chuẩn phổ cập là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi tốt nghiệp THCS được 46.827/54.898 người đạt tỷ lệ 85,3% (năm 2004, chỉ tiêu này là 84,51%). Nghĩa là sau hơn 6 năm, tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS ở TP Cần Thơ chỉ tăng chưa đến 1%. Kết quả phổ cập giáo dục THCS chưa phát triển bền vững nên kế hoạch phổ cập bậc trung học cũng không khả quan. Đã qua năm 2010 nhưng thành phố chưa có một đơn vị nào đạt chuẩn phổ cập bậc trung học. Chẳng những vậy, tỷ lệ phổ cập bậc trung học hiện nay cũng rất thấp. Hiện nay, thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 21 có bằng tốt nghiệp THPT (cả 2 hệ) chỉ được 27.632/57.939 người, đạt tỷ lệ 47,7%, trong khi theo quy định, chỉ tiêu này phải đạt 80% mới được công nhận đạt chuẩn phổ cập bậc trung học. Tương tự, chỉ tiêu học nghề ở TP Cần Thơ cũng đạt rất thấp, chưa được 1,5%...

Có nhiều nguyên nhân khiến việc thực hiện kế hoạch phổ cập nói chung gặp nhiều khó khăn, trong đó bên cạnh do nhận thức của nhiều người dân về vấn đề còn hạn chế thì theo nhiều cán bộ làm công tác giáo dục, nhiều địa phương cũng chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của công tác phổ cập nên chưa sâu sát, chưa quyết tâm thực hiện. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 61 Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục THCS mới đây, Thành ủy Cần Thơ đặt mục tiêu của công tác chống mù chữ và phổ cập giáo dục trong giai đoạn 2011-2015 là tiếp tục nâng cao dân trí, làm cho hầu hết công dân hết 21 tuổi ở các địa bàn thuộc TP Cần Thơ đạt trình độ học vấn THPT, giữ vững và nâng cao tỷ lệ công dân từ 15 tuổi đến hết độ tuổi biết chữ và đạt yêu cầu giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ... Trên cơ sở đó, Thành ủy đề ra một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như: tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 61-CT/TW, củng cố, nâng cao kết quả chống mù chữ và phổ cập giáo dục các cấp, quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng lộ trình phù hợp trong việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và phổ cập bậc trung học...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ yêu cầu các cấp ủy Đảng, Chính quyền cần tiếp tục quán triệt Chỉ thị 61-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) sâu rộng từ trong nội bộ Đảng đến các tầng lớp nhân dân, đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ban, ngành, đoàn thể để thực hiện phổ cập giáo dục THCS nói riêng, phổ cập giáo dục nói chung có hiệu quả. Bên cạnh đó, HĐND các cấp cũng cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để nhắc nhở các địa phương, các ban ngành thực hiện phổ cập... Đồng chí cũng lưu ý, hiện nay thành phố còn một số lượng lớn thanh thiếu niên sau tốt nghiệp THCS không được học hành đến nơi đến chốn, không có nghề nghiệp. Đây là điều đáng lo trong quá trình phát triển của TP Cần Thơ. Vì vậy công tác phổ cập trong thời gian tới là rất quan trọng để nâng cao trình độ dân trí nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa TP Cần Thơ.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết