30/04/2010 - 09:43

Con đường "Hướng tới một Nam Á xanh và hạnh phúc" vẫn còn xa

Các nhà lãnh đạo SAARC tại hội nghị thượng đỉnh ngày 28-4. Ảnh: Reuters

Hôm qua, các nhà lãnh đạo 8 quốc gia Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC) đã kết thúc cuộc họp thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại Thủ đô Thimphu của Bhutan với kết quả khá khiêm tốn.

Chủ đề của hội nghị lần này là “Hướng tới một Nam Á xanh và hạnh phúc”, một phần vì nó diễn ra tại quốc gia được các tổ chức quốc tế đánh giá là có chỉ số hạnh phúc thuộc nhóm hàng đầu thế giới nhờ môi trường sống trong lành, một phần vì các nước Nam Á là đối tượng rất dễ bị tổn thương do tình trạng Trái đất ấm lên. Cho nên, hội nghị đã đưa ra một tuyên bố chung như là tiếng nói của nhân dân các nước Nam Á gởi đến hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức tại Mexico vào cuối năm nay. Bản thân các nước Nam Á cũng ký một hiệp ước chống biến đổi khí hậu nhằm tạo cơ sở trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức và năng lực ứng phó, chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường. Dịp này, hội nghị còn thông qua thỏa thuận thúc đẩy hợp tác thương mại giữa các nước thành viên nhằm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực chăm sóc y tế, du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải hàng không, đồng thời ra mắt Ban thư ký Quỹ phát triển SAARC có số vốn ban đầu 300 triệu USD nhằm hỗ trợ các dự án kinh tế - xã hội trong khu vực.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các nước Nam Á dù có hợp lực với nhau cũng không đủ sức ngăn chặn các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu toàn cầu, nhất là nguy cơ mực nước biển dâng cao, nên cần phải có sự trợ giúp từ các nước phát triển bên ngoài. Điều đáng lo ngại hơn là dù đã đặt bút ký vào hiệp ước nhưng chưa chắc họ sẽ hợp lực với nhau. Ngoài ra, các nước trong khu vực sẽ khó thúc đẩy hoạt động giao thương nội khối khi mà khu mậu dịch tự do SAARC sau 3 năm có hiệu lực vẫn “giậm chân tại chỗ”, khiến tổng kim ngạch thương mại qua lại giữa thị trường 1,5 tỉ người tiêu dùng (chiếm 1/5 dân số toàn cầu) này chỉ đạt 688 triệu USD hồi năm ngoái.

Tại hội nghị, Pakistan, Bangladesh và Nepal muốn Ấn Độ chia sẻ nguồn nước theo cam kết nhưng chưa được đáp ứng. Còn Afghanistan thì giục Pakistan chấm dứt hậu thuẫn cho Taliban. Hiện tượng chia rẽ theo kiểu “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong nội bộ SAARC có thể nói đang ngày càng sâu sắc và phức tạp hơn, mà nguyên nhân chính là do mối quan hệ căng thẳng triền miên từ nhiều thập niên qua giữa hai cường quốc vũ khí hạt nhân kình địch Ấn Độ và Pakistan. Theo Thủ tướng nước chủ nhà Jigme Thinley, chính những bất hòa và mâu thuẫn giữa hai nước đầu tàu đã cản trở hiệp hội có tuổi đời 25 năm này nâng cao mức sống của người dân và phát triển thành một cộng đồng thịnh vượng thông qua hợp tác tương trợ lẫn nhau như mong muốn của những người sáng lập.

Vì vậy, các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị hết sức ủng hộ cuộc gặp thượng đỉnh song phương không chính thức giữa Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani tại Thimphu, coi đây là bước khởi động nối lại tiến trình đàm phán hòa bình giữa hai nước bị gián đoạn kể từ sau hàng loạt vụ đánh bom khủng bố ở Mumbai tháng 11-2008. Đây là một cơ hội đáng mừng, song ít có ai tin rằng quan hệ Ấn Độ – Pakistan sẽ sớm ấm lại.

KIẾN HÒA
(Tổng hợp từ AP, AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết