14/07/2008 - 10:32

Chuyến đi “phá băng” của Tổng thống Syrie

Từ trái sang: Các nhà lãnh đạo Pháp, Syrie và Liban trong cuộc gặp ở Paris ngày 12-7. Ảnh: AFP

Tổng thống Syrie Bashar al-Assad đang có chuyến thăm 3 ngày tới Pháp, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU). Chuyến công du của ông Assad được dư luận quốc tế rất quan tâm bởi mấy năm gần đây Syrie bị EU và Mỹ cô lập, do nghi ngờ Damas đứng đằng sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Liban Rafiq Hariri năm 2005. Họ cũng cáo buộc Syrie can thiệp vào công việc nội bộ của Liban thông qua việc hỗ trợ Hezbollah, lực lượng có chân trong chính phủ chia sẻ quyền lực ở Liban nhưng lại bị một số quốc gia phương Tây liệt vào danh sách khủng bố. Ngoài ra, quan hệ gần gũi giữa Syrie với Iran cũng là “cái gai” trong mắt Brussels và Washington.

Khác với người tiền nhiệm Jacques Chirac, đương kim Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chủ trương tiếp cận với Damas bất chấp việc đồng minh Mỹ liên tục “nhắc nhở” rằng Syrie là một “quốc gia khủng bố” (như qui kết của Washington). Theo lời mời của Pháp, hôm qua 13-7, Tổng thống Assad cùng 42 nguyên thủ quốc gia khác có mặt tại hội nghị khởi động thành lập Liên minh Địa Trung Hải, đánh dấu sự trở lại của Syrie trên trường quốc tế. Chưa hết, Tổng thống Sarkozy còn cho biết sẽ thăm Damas vào thượng tuần tháng 9 tới.

Trong cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Syrie với tân Tổng thống Liban Michel Suleiman tại Paris ngày 12-7, hai bên nhất trí khép lại thời kỳ nghi kỵ lẫn nhau và tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ (từ khi Liban độc lập năm 1943 và Syrie độc lập năm 1945 đến nay, hai nước vẫn chưa mở đại sứ quán tại thủ đô của nhau). Như vậy, có thể nói ngoài việc bước đầu phá được vòng vây cô lập của phương Tây, chuyến thăm Pháp của Tổng thống Assad còn giúp Syire cải thiện quan hệ với các nước láng giềng A-rập.

Tuy nhiên, quan hệ giữa Syrie với Israel chưa có tiến triển rõ nét dù hai nhà lãnh đạo lần đầu tiên chấp nhận ngồi cùng bàn tại hội nghị thượng đỉnh Địa Trung Hải. Tổng thống Assad và Thủ tướng Israel Ehud Olmert quyết định không gặp nhau bên lề hội nghị theo dự định ban đầu của nước chủ nhà. Ông Assad tuyên bố đàm phán chính thức giữa Syrie và Nhà nước Do Thái nhất thiết phải có sự ủng hộ của Mỹ, nhưng bây giờ chưa phải lúc. Theo ông, chính quyền Tổng thống George Bush không thực sự quan tâm đến tiến trình hòa bình Trung Đông nên phải đợi đến chính quyền mới ở Washington vào đầu năm tới. Tổng thống Assad chắc hẳn cũng gây khó chịu cho Mỹ khi khẳng định Iran không có tham vọng sở hữu bom hạt nhân (Washington đang ra sức thuyết phục cộng đồng quốc tế về việc Tehran muốn có loại vũ khí này). Không phản ứng trực tiếp với những phát biểu của ông Assad, nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Rob McInturff nói rằng “Washington sẽ tiếp tục hạn chế tiếp xúc ngoại giao với Syrie trừ phi nước này có những hành động cụ thể nhằm chấm dứt chiến thuật gây mất ổn định trong khu vực”.

LÊ DÂN (Theo AFP, Aljazeera)

Chia sẻ bài viết