 |
Ông Le Pen tại đền Yasukuni. Ảnh: AFP |
Lần đầu tiên trong lịch sử, không có thành viên nào của nội các Nhật viếng đền Yasukuni vào dịp kỷ niệm ngày kết thúc Thế chiến thứ hai 15-8, cũng là ngày Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Thủ tướng Naoto Kan thậm chí tuyên bố khi nào ông còn ngồi chiếc ghế này thì sẽ không tới đền Yasukuni, nơi thờ tự 2,5 triệu binh sĩ Nhật thiệt mạng trong cuộc chiến 6 năm khốc liệt, bao gồm cả 14 tội phạm chiến tranh loại A.
Dĩ nhiên không phải vô duyên vô cớ mà ông Kan cam kết như vậy. Việc các thủ tướng trước đây viếng ngôi đền này từng không ít lần gây sóng gió trong quan hệ giữa xứ Phù Tang với các nước láng giềng châu Á, nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc. Gần 7 thập kỷ trôi qua, nhưng những ký ức đau buồn về giai đoạn bị “Quân đội Thiên hoàng” xâm lược vẫn âm thầm hiện hữu ở các nước này và trỗi dậy mạnh mẽ mỗi khi có điều kiện. Do vậy, để giữ hòa khí với các lân bang, Thủ tướng Kan trong bài phát biểu nhân lễ kỷ niệm vào hôm qua cũng đã xin lỗi người dân châu Á về những tang thương mà binh sĩ Nhật gây cho họ trong thời gian chiếm đóng.
Trong khi đó, hôm 14-8, một đoàn các chính trị gia cực hữu châu Âu (cụ thể là Pháp, Anh, Áo, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Bỉ, Hungary và Roumanie) đã viếng đền Yasukuni. Nổi đình nổi đám nhất trong số họ là Jean-Marie Le Pen, lãnh đạo Mặt trận Quốc gia ở Pháp. Hồi năm 2002, nhân vật nổi tiếng bài ngoại này từng gây nên “cơn địa chấn chính trị” ở đất nước hình lục giác khi phăng phăng vượt qua vòng một cuộc bầu cử tổng thống và chỉ chịu thúc thủ trước ông Jacques Chirac ở vòng hai.
Phát biểu với báo giới, ông Le Pen khẳng định không có gì ngần ngại khi thăm đền này. Theo ông, bất kỳ người lính nào trên thế giới, dù đó là người Nhật, hy sinh vì đất nước mình đều xứng đáng được trân trọng như nhau. Chưa hết, chính khách 82 tuổi này còn “vặn vẹo” rằng “Nếu chúng ta nói về tội phạm chiến tranh, những người ném bom xuống Hiroshima và Nagasaki chẳng phải cũng là tội phạm chiến tranh đó sao?”. Hẳn ông muốn nhắc tới vụ Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật làm hàng trăm ngàn người chết chỉ vài tuần trước khi Thế chiến thứ hai tàn cuộc.
Lý lẽ của ông Le Pen là vậy, nhưng chuyến đi của ông cùng các đồng nghiệp vẫn không tránh khỏi bị phản đối ngay tại quê nhà. Hàng chục ngàn binh sĩ cũng như thường dân Anh, Hà Lan và nhiều nước châu Âu khác từng bị “Quân đội Thiên hoàng” bắt giữ. Hàng ngàn người trong số đó bị sát hại hoặc đánh đập rồi bỏ đói cho đến chết.
Rõ ràng, đối với cùng một ngôi đền nhưng nội các Nhật và các chính trị gia cực hữu châu Âu đã chọn hai cách ứng xử hoàn toàn khác nhau.
LÊ DÂN