30/03/2009 - 21:54

Chung quanh chuyến Âu du đầu tiên của Tổng thống Mỹ

Dân Luân Đôn biểu tình đòi G20 phải đảm bảo cuộc sống cho người lao động trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Ảnh: WP

Hôm nay 31-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama rời Washington, lên đường sang thăm một loạt quốc gia đồng minh châu Âu. Đầu tiên, ông tới Anh dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi (G20) được tổ chức vào ngày 2-4, sau đó sang Pháp và Đức dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), rồi tiếp tục bay qua CH Czech dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Liên minh châu Âu (EU) trước khi kết thúc bằng chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ. Đây không phải là lần đầu tiên ông Obama thực hiện chuyến thăm nước ngoài (chuyến công du đầu tiên là sang nước láng giềng Canada), nhưng lại là chuyến công du vượt đại dương đầu tiên của tân chủ nhân Nhà Trắng, và điều này tạo nên sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế.

Trước khi đến Luân Đôn, ông Obama mạnh mẽ tuyên bố Mỹ sẽ nỗ lực khôi phục sự tin cậy của quốc tế và sẵn sàng đảm nhiệm vai trò “thủ lĩnh toàn cầu”, trong đó có G20, nơi chiếm 85% GDP, 80% thương mại và 2/3 dân số thế giới, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, theo tờ Bưu điện Washington, nhiều nước G20 tỏ ý không ủng hộ gói kích thích kinh tế đồ sộ của ông Obama. Thủ tướng vừa tuyên bố từ chức của CH Czech (hiện là chủ tịch luân phiên EU), ông Mirek Topolanek, thậm chí nói rằng biện pháp kinh tế của chính quyền Obama là “con đường dẫn tới địa ngục”. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc yêu cầu thế giới không sử dụng đô-la Mỹ như là đồng tiền dự trữ chủ chốt nữa. Lời đề nghị này có dụng ý rằng nước Mỹ ngày nay không còn đủ quyền lực và khả năng để quán xuyến các vấn đề toàn cầu. Thế nên, theo một cựu quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các nhà lãnh đạo G20 tuy sẽ cam kết làm tất cả những gì cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng vì họ thấy có trách nhiệm làm thế, chứ không phải nghe theo sự “giáo huấn” từ Washington.

Một nhiệm vụ rất quan trọng khác của Tổng thống Obama trong chuyến Âu du lần đầu tiên là thuyết phục các đồng minh NATO tăng cường đóng góp tài lực nhằm hỗ trợ Mỹ thực hiện chiến lược mới tại Afghanistan. Tuy nhiên, theo tờ Bưu điện Washington, các đồng minh châu Âu của Mỹ chẳng những không thể đóng góp thêm nữa mà còn đang đứng trước sức ép phải rút khỏi Afghanistan.

Theo Reginald Dale, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, để khôi phục vị thế thủ lĩnh của Mỹ trên toàn cầu thì Tổng thống Obama cần phải tiếp tục du thuyết trong nhiều tháng, nếu không muốn nói là cả một năm hoặc nhiều hơn nữa, còn chuyến công du lần này có chăng chỉ là một bước khởi động.

KIẾN HÒA
(Theo WP, AP, WSJ, MaClatchy, Guardian)

Chia sẻ bài viết