Ở Hy Lạp và Ý, cả hai thủ tướng George Papandreou và Silvio Berlusconi đều vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 21-6.
Tại Hy Lạp, khoảng một vạn dân đã tụ tập ở Thủ đô Athens cho tới nửa đêm 21-6 để chuẩn bị “ăn mừng” sự kiện Thủ tướng Papandreou bị quốc hội “phế truất” và điều đó cho thấy sức ép chính trị đã đè nặng trên vai các ông nghị như thế nào. Thế nhưng, dù một số thành viên đảng Xã hội cầm quyền dọa không tham gia cuộc họp quốc hội để phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” triệt để của chính phủ, tất cả 155 nghị sĩ của đảng này đã có mặt bỏ phiếu ủng hộ thủ tướng của họ. Có 143 phiếu chống và 2 phiếu trắng trong quốc hội 300 thành viên. Kết quả này cũng đồng nghĩa quốc hội Hy Lạp sẽ chấp nhận phê chuẩn các kế hoạch “thắt hầu bao” được chính phủ của ông Papandreou trình lên vào tuần tới trước khi Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra quyết định tiếp tục giải ngân gói cứu trợ trị giá 110 tỉ euro đã cam kết cũng như thông qua gói viện trợ mới để cứu nước này thoát khỏi nguy cơ phá sản vì khối nợ khổng lồ.
Ở Ý cũng vậy, chính quyền của ông Berlusconi dự kiến sẽ trình kế hoạch tăng đối tượng và mức đóng thuế thu nhập để có thêm nguồn thu 40 tỉ euro trong 3 năm tới và đạt mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2014. Chính phủ Ý cho biết chỉ cần cắt giảm thâm hụt khoảng 3 tỉ euro trong năm nay thì tỷ lệ thâm thủng ngân sách năm 2011 sẽ xuống còn 4% GDP. Nhưng nợ công của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Âu và thứ 7 thế giới này hồi cuối năm ngoái đã lên tới 1.800 tỉ euro, tương đương 119% GDP, tức cao hơn tổng nợ công của Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ireland gộp lại. Vì vậy, nếu nước Ý không chủ động cắt giảm thâm hụt ngân sách thì nợ công sẽ phình to và đe dọa không chỉ đối với nền an ninh tài chính quốc gia mà còn tác động đến khu vực và thế giới. Đây là lý do liên minh cầm quyền vẫn bỏ phiếu ủng hộ Thủ tướng Berlusconi (với 317 phiếu thuận và 293 phiếu chống), bất chấp nhà lãnh đạo này đã đánh mất lòng tin của công chúng qua các cuộc trưng cầu dân ý và bầu cử địa phương vừa qua.
Rõ ràng, tuy việc thoát nạn của hai ông Papandreou và Berlusconi diễn ra ở tình tiết và mức độ căng thẳng khác nhau, nhưng đều cho thấy sự sống còn của nền an ninh tài chính quốc gia ở hai nước này vẫn còn cần sự điều hành của chính phủ đương quyền.
PHÚC GIA AN
(Theo AFP, Reuters, Ftimes)