 |
Ông Naoto Kan trong tâm trạng “bần thần” trước quốc hội Nhật hôm 8-3. Ảnh: AP |
Chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Seiji Maehara phải chia tay nội các vì tội nhận quỹ chính trị trái phép từ một công dân nước ngoài sinh sống ở Nhật, giờ đây đương kim Thủ tướng Naoto Kan đang đối mặt với cảnh ngộ tương tự nhưng ở mức nghiêm trọng hơn. Theo nhật báo Asahi Shimbun ngày 11-3, nhóm gây quỹ chính trị của ông Kan đã nhận từ một người Hàn Quốc sống ở Nhật 1,04 triệu yen (khoảng 12.500 USD) giai đoạn 2006-2009, trong đó có thời điểm ông làm phó thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chính Nhật. Ông Kan được bầu làm thủ tướng Nhật vào ngày 4-6-2010.
Thông tin trên được công bố khi ông Kan chuẩn bị tường trình trước Ủy ban Ngân sách Thượng viện Nhật về dự thảo ngân sách tài khóa 2011-2012 vốn đã được Hạ viện phê chuẩn nhưng còn ách ở Thượng viện. Thế nên, ông Kan thanh minh trước ủy ban này rằng mình không hề hay biết người ủng hộ quỹ chính trị ấy là công dân nước ngoài, cho dù ông thừa nhận đã vài lần đi ăn cơm tối với nhân vật đó. Cùng lúc, trong một cuộc họp báo ngắn, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yukio Edano cũng biện hộ cho “xếp” của mình rằng thông qua một người quen biết, ông Kan được giới thiệu với một “mạnh thường quân” đang làm việc trong ngành kinh doanh bất động sản, chứ đâu ý thức quốc tịch của ông ta. Ông Edano còn phân trần rằng luật gây quỹ chính trị hiện hành ở xứ sở hoa anh đào chưa minh bạch nên gây khó khăn trong quá trình vận động quyên góp tài chính nếu gặp phải trường hợp không biết rõ “lai lịch” của người đóng góp.
Ở xứ Mặt trời mọc có khoảng 600.000 người Hàn Quốc sinh sống, phần lớn trong số này là hậu duệ của thế hệ những người đã rời bán đảo Triều Tiên trong thời gian bị phát-xít Nhật chiếm đóng (1910-1945). Và mặc dù đã định cư lâu dài hàng thập niên trên nước Nhật, nhưng vì nhiều lý do, nhiều người trong số họ vẫn chưa thể trở thành công dân Nhật.
Cũng chính vì khó phân biệt được người Hàn Quốc nào chưa có quốc tịch Nhật mà Ngoại trưởng Maehara đã gặp họa. Ông Maehara đã nhận 250.000 yen (3.020 USD) của một người bạn từ thời thơ ấu và là chủ một nhà hàng ở thành phố quê hương Kyoto mà ông không ngờ người đó đến nay vẫn chưa phải là công dân Nhật. Tội nhận tiền tài trợ từ người nước ngoài của ông Maehara quả thật đã có sự cảm thông của dư luận Nhật, nhưng vì nguyên tắc chính trị đã quy định rõ nên ông phải từ chức hôm 6-3.
Tuy nhiên, trường hợp sơ xuất của Thủ tướng Kan có lẽ đáng trách hơn. Tổng số tiền ông nhận cũng lớn hơn của ông Maehara 4 lần.
Liệu ông Kan có “tự xử” như nhân vật thân tín của ông? Theo Chánh văn phòng nội các Edano, ông Kan hiện chưa có bất kỳ ý định từ chức nào, mà nghĩa vụ đơn giản là sẽ trả lại số tiền đã nhận nếu người quyên góp được chính thức xác định là công dân Hàn Quốc. Dẫu vậy, các nhà phân tích cho rằng với vụ việc lần này, uy tín vốn đã giảm sút của ông Kan khó tránh được nguy cơ tụt dốc. Tương lai chính trị của ông Kan rõ ràng đang bị thách thức, khiến không ít người lo ông Kan sẽ trở thành vị thủ tướng thứ 5 của Nhật có thời gian cầm quyền không quá một năm.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)