07/04/2022 - 08:20

Chủ động tiết giảm chi phí cho vụ hè thu 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Vụ hè thu 2022 vùng ÐBSCL được dự báo đối mặt với nhiều khó khăn do giá phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất đang tăng cao; điều kiện thời tiết, sâu bệnh bất lợi. Ðể có vụ mùa thắng lợi, nông dân cần chủ động thực hiện nhiều giải pháp giảm chi phí sản xuất, phòng tránh rủi ro do thiên tai, hạn mặn và các loại dịch hại ...

Nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ đã xuống giống được 64.713ha lúa vụ hè thu 2022, đạt 89,38% so với kế hoạch.

Nhiều áp lực làm tăng chi phí sản xuất

Vụ hè thu 2022, toàn vùng ÐBSCL có kế hoạch gieo sạ 1,5 triệu héc-ta lúa, năng suất ước đạt 56,93 tạ/ha và sản lượng đạt 8,54 triệu tấn. Dự kiến, lúa hè thu tại vùng ÐBSCL sẽ được tập trung xuống giống trong các tháng 3, 4 và tháng 5-2022, với diện tích khoảng 1,3 triệu héc-ta, còn lại khoảng 200.000ha tại các vùng ven biển được xuống giống dứt điểm trong khoảng nữa đầu tháng 6 khi trời có mưa, đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất.

Năm nay, do mưa trái mùa nhiều và lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về ÐBSCL duy trì ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nên nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất lúa vụ hè thu tương đối thuận lợi.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa đầu tư đồng bộ thủy lợi nội đồng, mực nước triều xuống thấp, nông dân hầu như không thể lợi dụng nước triều dâng cao để đưa nước vào ruộng mà phải thường xuyên sử dụng máy bơm để bơm nước từ các kênh mương nội đồng lên ruộng lúa, làm tốn một khoản chi phí không nhỏ.

Áp lực càng đè nặng lên nông dân khi giá hầu hết các loại phân bón thiết yếu phục vụ sản xuất lúa như phân đạm (Urê), DAP, Kali… đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ các năm trước và hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt bởi nguồn cung bị ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine. Giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 10-30% so với những năm trước, cá biệt một số mặt hàng tăng đã tăng hơn 50%. Giá thuê nhân công và nhiều loại máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng tăng đáng kể so với trước, trong đó giá thuê nhân công lao động tại nhiều nơi lên tới 30.000 đồng/giờ. Ông Nguyễn Văn Lợi, nông dân sản xuất lúa tại ấp Thới Phước, xã Thới Tân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Chưa bao giờ giá phân bón và xăng dầu lại tăng cao như năm nay. Hiện giá phân DAP xanh Hồng Hà (Trung Quốc) đã lên 1,3 triệu đồng/bao, còn Urê và Kali từ 900.000-950.000 đồng/bao. Vụ hè thu này, chi phí sản xuất có thể tăng từ 300.000-500.000 đồng/công, thậm chí cao hơn nếu nông dân không sử dụng phân bón và nước tưới một cách hiệu quả và tiết kiệm”.

Ðể vụ mùa thắng lợi

Ðể có vụ lúa hè thu 2022 thắng lợi, Cục Trồng trọt (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo ngành Nông nghiệp các địa phương cần theo dõi chặt tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn và tình hình rầy nâu di trú để bố trí thời vụ và tổ chức sản xuất một cách chặt chẽ và linh hoạt. Ðặc biệt, chú ý thực hiện các gói kỹ thuật tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái, tưới tiêu nước tiết kiệm… Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, việc chọn giống tốt và thực hiện giảm lượng sử dụng giống trong gieo cấy lúa không chỉ giúp giảm chi phí tiền giống mà còn giải quyết được rất nhiều chuyện về sau góp phần giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo...

Ðể giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệc thực vật (BVTV) mà vẫn đảm bảo tốt năng suất, chất lượng và sản lượng lúa, nông dân cần áp dụng các giải pháp nhằm khai thác tốt các nguồn dinh dưỡng trong đất và tìm cách hạn chế lượng phân bón bị thất thoát trong quá trình bón cho lúa. Ðồng thời, chủ động phòng tránh các loại sâu bệnh, dịch hại bằng các giải pháp làm đất, cải tạo đất, điều tiết nước để khống chế cỏ dại, che chắn cây lúa, nhất là lúa non để tránh sự chích hút của rầy nâu và gây hại của các loại sâu bệnh...

Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng thuộc Trường Ðại học Cần Thơ, hiện là Trưởng ban cố vấn Chương trình canh tác lúa thông minh tại ÐBSCL, đất trong vụ hè thu có những khiếm khuyết và hạn chế như dưỡng chất hữu dụng thấp, đất bị thấm và rút nước nhanh, nguy cơ lúa bị ảnh hưởng bởi độc chất hữu cơ trong đất, độc chất phèn và mặn... Do vậy, cần làm đất đúng cách để hạn chế các độc chất hữu cơ, phèn và mặn trong đất và gia tăng dưỡng chất hữu dụng, giảm thất thoát phân bón sau khi bón cho lúa và giúp quản lý tốt cỏ dại và nhiều loại dịch hại, hạn chế phải phun thuốc. Qua đó, giúp cây lúa khỏe, ít sâu bệnh, giúp tiết kiệm chi phí bơm tưới nước, tiền phân bón và thuốc BVTV... Vụ hè thu nắng nóng, độc chất phèn ở tầng đất bên dưới mao dẫn lên tầng đất mặt gây hại rễ lúa, do vậy nông dân cần cho nước vào ruộng để ngâm đất khoảng 2 tuần trước khi gieo sạ và chú ý làm các đường rãnh phèn trên ruộng để rửa độc chất phèn, giúp gia tăng pH để bón phân tiết kiệm và hiệu quả. Trong đất có nhiều dưỡng chất nhưng ở dạng kém hữu dụng, do vậy cũng cần cày sâu, phơi ải đất và ngâm đất để giúp gia tăng dưỡng chất hữu dụng. Chú ý thực hiện giải pháp “đánh bùn” tạo tầng đế cày (tầng đất nén dẻ bên dưới tầng canh tác) giúp ruộng giữ nước, giữ phân bón...        

Chia sẻ bài viết