Tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp và kéo dài dẫn đến thiếu nước sinh hoạt, cháy rừng, sụt lún, sạt lở đất… gây ra nhiều thiệt hại. Trong khó khăn đó đã có nhiều nông dân ở ĐBSCL chủ động chuyển đổi sản xuất bằng các giải pháp thích ứng phù hợp, chung sống thuận thiên để phát triển bền vững…
Thu nhập cao trong mùa hạn mặn
Mặc dù giữa nắng trưa gay gắt nhưng vợ chồng anh Lê Thanh Tảo ngụ xã Thuận An (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) vẫn tranh thủ hái 5 mương rau nhút để kịp giao cho thương lái đặt mua với giá 10.000 đồng/kg. Anh Tảo cho biết, thời điểm này nhiều nơi bị khô hạn, còn các vùng ven biển thì nước mặn tấn công gây khó cho sản xuất và sinh hoạt của người dân; tuy nhiên khu vực này nằm gần sông Hậu nên các hộ xung quanh chủ động liên kết xây dựng đê bao để trữ nước ngọt nhằm phục vụ trồng rau màu trong mùa hạn. Gia đình tôi có gần 5 công đất được áp dụng trồng rau nhút dưới mương, còn trên bờ thì trồng cải xà lách xoong.
Nông dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long thu hoạch khoai lang xuất khẩu trong mùa hạn mặn bán giá cao 830.000 đồng/tạ.
Để rau nhút phát triển tốt, anh Tảo thả thêm nhiều bèo dưới mương nhằm tạo độ mát cho mặt ao, đồng thời thường xuyên theo dõi tình trạng chết dây, úng lá… để xử lý kịp thời tránh ảnh hưởng năng suất. "Chỉ sau gần 20 ngày trồng là bắt đầu thu hoạch rau nhút kéo dài nhiều đợt. Do chi phí đầu tư không nhiều, vì vậy chỉ cần giá rau nhút 10.000 đồng/kg là nông dân sống khỏe; cũng có thời điểm rau nhút hút hàng tăng lên 15.000-20.000 đồng/kg; nhờ đó nông dân có lợi nhuận 60-80 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa", anh Tảo khoe.
Cùng với rau nhút anh Tảo còn làm nhà lưới để trồng xà lách xoong trên bờ. Ưu điểm của xà lách xoong trồng 1 lần cho thu hoạch nhiều năm, với giá bán bình quân 20.000-30.000 đồng/kg vào mùa thuận (từ tháng 10 đến tháng 2 trong năm), còn mùa nghịch (từ tháng 3 đến tháng 9) giá khoảng 40.000 đồng/kg, thậm chí tới 50.000-60.000 đồng/kg. Xà lách xoong là loại rau màu cho thu nhập cao với lợi nhuận mỗi năm từ 100-300 triệu đồng/ha. Với việc áp dụng mô hình trên bờ trồng xà lách xoong, còn dưới mương trồng rau nhút kết hợp, giúp gia đình anh Tảo có nguồn thu ổn định trong mùa hạn mặn. Tại huyện Bình Tân, vùng chuyên canh khoai lang xuất khẩu lớn nhất của tỉnh Vĩnh Long, nhiều nông dân đang chủ động nước tưới để sản xuất vào mùa hạn. Anh Lê Thái Hòa, ngụ xã Thành Lợi (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) hớn hở khoe: "4 công khoai lang của gia đình tôi nhờ chăm sóc tốt nên năng suất vụ này đạt 60 tạ/công (1 tạ 60kg). Thương lái vừa đến tận ruộng thu mua giá khá cao là 830.000 đồng/tạ, giúp nông dân lãi đậm".
Chỉ chúng tôi hơn 2 công dưa leo vừa thu hoạch, chị Lâm Thị Chín, ngụ xã Đông Bình (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), bộc bạch: "Qua theo dõi thị trường thời gian qua thấy khi vào mùa hạn mặn thì dưa leo được giá cao và dễ tiêu thụ; vì vậy vụ này ruộng dưa leo của gia đình lúc tới ngày thu hoạch được thương lái đến tận ruộng thu mua từ 15.000-20.000 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn làm lúa rất nhiều".
Ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, TP Cần Thơ… nhiều nông dân trồng cây ăn trái cũng "sống khỏe" nhờ các giải pháp thích ứng phù hợp với hạn mặn. Anh Nguyễn Văn Chí, xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), nhìn nhận: "Cù lao Ngũ Hiệp có hơn 1.500ha sầu riêng, một loại cây cho hiệu quả kinh tế cao. Rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn dữ dội các năm 2016 và 2020 khiến nhiều vườn cây bị thiệt hại; vì vậy ngoài việc ngành chức năng đầu tư hệ thống cống ngăn mặn thì nông dân nạo vét các con mương, đào thêm ao để trải bạt trữ nhiều nước ngọt trong vườn cây nhằm đảm bảo nước tưới suốt mùa khô. Nhờ vậy mà đến thời điểm này nhiều vườn sầu riêng vẫn trụ vững và phát triển bình thường; trong đó những nông dân chủ động cho trái sớm và bán vào tháng 3-2024 trúng giá cao từ 110.000-130.000 đồng/kg (giống Ri 6), thu lời đậm".
Tiếp tục chuyển đổi theo hướng "thuận thiên"
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hạn mặn năm 2024 dù diễn ra gay gắt và kéo dài, gây thiếu nước ngọt một số vùng ven biển thuộc các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang… đa phần là các khu vực không có nước ngầm và chưa được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cấp nước. Đối với sản xuất nông nghiệp thì hạn mặn tuy có gây ảnh hưởng nhưng mức độ thiệt hại rất thấp so với đợt hạn mặn năm 2016 và 2020. Nguyên nhân là do ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương trong vùng đã chủ động chuyển đổi sản xuất phù hợp, thích ứng, thuận với tự nhiên.
Tại Hậu Giang, đến thời điểm này hơn 73.000ha lúa hè thu và nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái… phát triển bình thường nhờ điều chỉnh lịch thời vụ hợp lý, cùng các giải pháp thích ứng với hạn mặn trong canh tác. Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho hay, đầu vào mùa khô là ngành Nông nghiệp đã tăng cường dự báo dài hạn và đề ra các phương án ứng phó phù hợp với từng khu vực. Sau đó, phối hợp cùng các địa phương, hợp tác xã… tuyên truyền cho nông dân về lịch thời vụ sản xuất cần tuân thủ để tránh hạn mặn; đặc biệt là chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, kèm ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm nước tưới và cho năng suất cao. Sở NN&PTNT cũng phân công bộ phận chuyên môn theo dõi chặt diễn biến mặn xâm nhập, nhằm vận hành khoảng 60 cống tròn và cống hở kịp thời. Ngoài ra, chủ động nạo vét thủy lợi nội đồng, tích trữ nhiều nước ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong suốt mùa khô…
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), chia sẻ: "Hiện nay hơn 8.500ha vườn cây ăn trái đặc sản của huyện như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… và 3.000ha hoa kiểng phát triển bình thường, dù bên ngoài là nước mặn tấn công. Được vậy, là nhờ chủ động các phương án ứng phó hạn mặn rất sớm, triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật mới trong sản xuất để nông dân áp dụng; thường xuyên quan trắc độ mặn để thông báo kịp thời cho bà con phòng ngừa; đặc biệt là hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi và tích trữ nước ngọt bằng nhiều cách như trong mương vườn, ao, làm hồ trải bạt, xây bồn chứa…".
Mới đây, trong chuyến kiểm tra về phát triển nông nghiệp ở Trà Vinh, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao Trà Vinh là tỉnh ven biển nhưng đến nay không bị ảnh hưởng tiêu cực của hạn mặn; được vậy là do từ năm 2021 đến nay tỉnh này đã chủ động chuyển đổi hơn 8.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả, nơi thiếu nước tưới, cùng hàng trăm héc-ta đất mía bị ảnh hưởng mặn, năng suất kém… sang nuôi thủy sản và trồng các loại cây khác ít cần nước tưới, phù hợp với điều kiện sinh thái mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông Lê Minh Hoan cũng tâm đắc với các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở Trà Vinh như: HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu (huyện Châu Thành) quy tụ hơn 120 nông dân vào sản xuất lúa thông minh và áp dụng kinh tế tuần hoàn để tăng thu nhập; hay HTX nông nghiệp Long Hiệp (huyện Trà Cú) quy tụ 72 nông dân tham gia mô hình lúa - tôm bền vững… Ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để nông nghiệp phát triển bền vững, thuận thiên và thích ứng với biến đổi khí hậu, với hạn mặn, thì việc chuyển đổi sản xuất phù hợp là rất quan trọng; đồng thời cũng chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Do đó, quy tụ nông dân vào các HTX sẽ thuận lợi trong việc chuyển đổi, cũng như ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất; gắn liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp tiêu thụ để ổn định đầu ra nông sản. Đây là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hội nhập và phát triển thuận thiên…
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023 ở vùng ĐBSCL có khoảng 86.000ha đất lúa kém hiệu quả, khó khăn về nguồn nước ngọt, nơi thường bị ảnh hưởng hạn mặn… được chuyển đổi sang nuôi thủy sản, trồng cây ăn trái, trồng rau màu... Trước đó, giai đoạn từ 2019 đến 2022, bình quân mỗi năm có hàng chục ngàn héc-ta đất lúa được chuyển đổi sản xuất. Ưu điểm của chuyển đổi là hệ số sử dụng đất được tăng lên từ 1,5-2,2 lần, tiết kiệm được nước tưới, thích ứng tốt với hạn mặn, nhờ đó hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn. Điển hình như từ đất lúa chuyển sang trồng rau màu các loại thì nông dân đạt doanh thu bình quân khoảng 150-200 triệu đồng/ha; trồng cây ăn trái đạt doanh thu trên 600 triệu đồng/ha… lợi nhuận cao hơn trồng lúa rất nhiều và thích ứng phù hợp với hạn mặn. Vì vậy, tới đây việc chuyển đổi sản xuất sẽ tiếp tục thực hiện.
Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH