 |
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde luôn phủ nhận mọi cáo buộc nhắm vào mình trong vụ việc trên. Ảnh: AFP |
Hãng tin Anh Reuters hôm 24-5 cho biết các quan tòa Pháp đã quyết định không xem bà Christine Lagarde, đương kim Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), là "nghi phạm chính" của cuộc điều tra về vai trò của bà trong vụ chi trả hàng trăm triệu euro cho một người ủng hộ cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy lúc bà còn làm Bộ trưởng Tài chính Pháp.
Những ngày qua, bà Lagarde phải đối chất trước tòa liên quan đến các cáo buộc "đồng lõa biển thủ công quỹ và lạm dụng quyền lực". Nhưng tòa đã xác định bà là "nhân chứng quan trọng" thay vì là "nghi phạm chính". Theo luật của Pháp, với việc được xem là "nhân chứng quan trọng", bà Lagarde vẫn có thể bị kết tội trong thời gian tới nhưng không bị xem là nghi phạm chính và sẽ được quyền có đại diện pháp luật cũng như tiếp cận các hồ sơ vụ án trong quá trình xét xử.
Nguồn cơn vụ việc xoay quanh quyết định của bà Lagarde trong vụ tranh chấp kéo dài 15 năm giữa doanh nhân Bernard Tapie - một cựu bộ trưởng thuộc cánh tả dưới chính quyền của cựu Tổng thống Pháp Francois Mitterand với ngân hàng mà nhà nước sở hữu một phần Credit Lyonnais. Ông Tapie khi đó đã khởi kiện và yêu cầu phía Credit Lyonnais bồi thường cho những "sai phạm" trong vụ bán hãng thể thao Adidas mà ông là cổ đông chính hồi năm 1993. Kết thúc vụ kiện, bà Lagarde đã thông qua phán quyết của hội đồng trọng tài tư nhân phê duyệt quyết định bồi thường cho doanh nhân này tới 403 triệu euro (285 triệu euro cùng với tiền lãi và các chi phí khác).
Các nhà phê bình cho rằng vụ việc không nên được giải quyết bằng trọng tài tư nhân do có liên quan tiền của nhà nước trong các ngân hàng. Bà Lagarde đã thẳng thừng phủ nhận mọi việc làm sai trái. Trong một cuộc phỏng vấn riêng, bà nhấn mạnh quyết định của mình là "giải pháp tốt nhất vào thời điểm đó". Tuy nhiên, phóng viên BBC Christian Fraser ở Thủ đô Paris cho biết các nhà điều tra nghi ngờ ông Tapie được trao khoản bồi thường lớn hơn nhiều so với khả năng ông có thể nhận được từ tòa án là nhằm "đền đáp" sự ủng hộ của vị doanh nhân này dành cho cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong cuộc bầu cử hồi năm 2007. Và nếu bị phán có tội, bà Lagarde dù không bị buộc phải từ chức Tổng Giám đốc IMF nhưng vụ việc có thể làm suy yếu vị thế của bà trên chính trường thế giới.
Theo Cyrille Lachevre, tác giả một cuốn sách về bà Lagarde thì "cô ấy vẫn là một trong những chính trị gia thuộc cánh hữu nổi tiếng nhất trên chính trường Pháp". Hồi năm 2011, bà Lagarde được chỉ định thay thế người tiền nhiệm Dominique Strauss-Kahn để trở thành nữ Tổng giám đốc đầu tiên trong lịch sử 65 năm tồn tại của IMF sau khi ông này buộc phải từ chức do dính líu đến một vụ bê bối tình dục. Hồi tháng 3, IMF cho biết sẽ hỗ trợ cho bà nếu trở thành ứng cử viên tiềm năng cho chức vị nữ Tổng thống Pháp đầu tiên.
ĐƯỜNG THẤT (Tổng hợp)