16/12/2019 - 08:22

Chờ "quà Giáng sinh"! 

Bình Nhưỡng hôm 14-12 lại tiến hành "một vụ thử cực kỳ quan trọng nữa", theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA. Một tuần trước đó, Triều Tiên đã tiến hành "vụ thử rất quan trọng", cũng tại bãi phóng vệ tinh Sohae-cơ sở mà Bình Nhưỡng cam kết phá hủy trong đàm phán với Mỹ. Tuy không nói rõ thử vũ khí gì nhưng KCNA khẳng định kết quả thành công trong những vụ thử liên tiếp gần đây sẽ được sử dụng để "tăng cường khả năng răn đe hạt nhân chiến lược đáng tin cậy của Triều Tiên".

Cái bắt tay Trump (trái) - Kim tại biên giới liên Triều, tháng 6-2019. Ảnh: Reuters

Vài giờ sau vụ thử hôm thứ bảy, Tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên Pak Jong-chon tuyên bố những thử nghiệm công nghệ quốc phòng gần đây là nhằm đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ. Ông này cảnh báo rằng "các lực lượng thù địch" nên thận trọng trong hành động, tránh khiêu khích vào thời điểm thế giới chuẩn bị bước sang năm mới.

Thái độ úp mở của cả KCNA và Tướng Pak càng khiến người ta tò mò về bước đi kế tiếp của Triều Tiên, mà nói như Bình Nhưỡng là "quà Giáng sinh" dành cho Washington.

Hầu hết các chuyên gia được hãng tin Mỹ CNN hỏi ý kiến đều cho rằng Triều Tiên sẽ phóng vệ tinh vào quỹ đạo. Từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiếp quản quyền lực từ người cha quá cố của mình năm 2011, ông đã đưa thành công 2 vệ tinh vào quỹ đạo. Bình Nhưỡng luôn tuyên bố chương trình không gian của họ vì mục đích hòa bình và phục vụ khoa học.

Nhưng cộng đồng quốc tế hay ít ra là Mỹ không nghĩ vậy, bởi phóng vệ tinh sử dụng cùng công nghệ với phóng tên lửa đạn đạo mang vũ khí hạt nhân. Theo cựu chuyên gia về Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ Evans Revere, vụ phóng vệ tinh sắp tới nếu diễn ra có thể gởi đi thông điệp rằng Triều Tiên có khả năng tấn công nước Mỹ lục địa bằng vũ khí hạt nhân.

Ngoài phóng vệ tinh, Bình Nhưỡng cũng có thể thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM)-những hành động được cho là mang tính khiêu khích nhiều hơn đối với Washington và chắc chắn sẽ gây chú ý cho Tổng thống Donald Trump. Hồi năm 2017, Triều Tiên tiến hành vụ thử ICBM đầu tiên và gọi đây là món quà nhân ngày quốc khánh Mỹ 4-7. Cũng trong năm đó, họ bắn ICBM thêm 2 lần nữa và thực hiện vụ thử hạt nhân trong lòng đất lớn nhất từ trước tới nay.

Bình Nhưỡng gần đây tỏ ra hết kiên nhẫn khi "hạn chót cuối năm" đang tới gần mà Washington lại không có động tĩnh gì. Họ tố cáo Mỹ dùng các cuộc thương lượng để "câu giờ" phục vụ cho chương trình nghị sự trong nước nên tuyên bố ngừng đàm phán phi hạt nhân hóa. Bình Nhưỡng cũng nhiều lần đề cập tới "con đường mới" nếu đến cuối năm nay Mỹ không thay đổi cách tiếp cận để tháo gỡ thế bế tắc sau thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội tháng 2-2019.

Trong khi đó, những vấn đề như cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020, hạ viện xúc tiến luận tội tổng thống, thương chiến Mỹ-Trung, căng thẳng Mỹ-Iran… dường như khiến ông Trump không xem đàm phán với Bình Nhưỡng là một ưu tiên hiện nay và vì thế không tỏ dấu hiệu gì sẽ nhượng bộ. Đáp lại  đe dọa "quà Giáng sinh", ông Trump hôm 3-12 đã nói một câu đầy ẩn ý: "Ông Kim có vẻ thích phóng tên lửa, phải không nào?". Đến ngày 8-12, ông lại lên Twitter cảnh báo: "Kim Jong-un rất thông minh và có quá nhiều điều để mất, thực sự là mất tất cả, nếu ông ấy hành động một cách thù địch", sau khi Bình Nhưỡng tiến hành "vụ thử rất quan trọng" tại bãi phóng vệ tinh Sohae. Đáp lại, Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol khẳng định nước này "chẳng có gì hơn để mất", đồng thời cảnh báo "có nhiều thứ mà ông Trump không biết về Triều Tiên".

Với tình hình hiện nay, xem ra Triều Tiên sẽ có "quà Giáng sinh" cho Mỹ. Vấn đề là nó "nặng ký" cỡ nào mà thôi.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết