22/08/2008 - 23:34

Chiến tranh lạnh trở lại Trung Đông ?

Đáp trả việc Israel và Mỹ hỗ trợ quân sự cho Gruzia, Nga quyết định tăng cường quan hệ với Syrie và Iran, kẻ thù của Tel Aviv và phương Tây. Nhiều người lo ngại Trung Đông có thể một lần nữa trở thành “đấu trường” để các cường quốc phô trương sức mạnh cũng như tranh giành ảnh hưởng.

Sau cuộc xung đột Nga- Gruzia, Mỹ gấp rút ký thỏa thuận lắp đặt một phần lá chắn tên lửa tại Ba Lan, trong khi NATO “đóng băng” quan hệ với Mát-xcơ-va và đẩy mạnh đàm phán về việc kết nạp Gruzia. Nga xem những động thái này như lời tuyên bố về một cuộc Chiến tranh lạnh mới. Đáp lại, Nga quyết định giãn tiến độ rút quân khỏi Gruzia và ngừng một phần hợp tác quân sự với NATO. Đặc biệt, trong số những biện pháp trả đũa của Mát-xcơ-va còn có việc tăng cường quan hệ với Syrie và Iran.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (trái) đón tiếp người đồng cấp Syrie Bashar al-Assad hôm 21-8. Ảnh: AFP 

Syrie vốn là đồng minh của Liên Xô thời Chiến tranh lạnh, nhưng gần đây có xu hướng gần gũi với phương Tây. Bằng cách thắt chặt quan hệ với Syrie, Nga có thể phá hoại việc này, đồng thời “bóp chết” cơ hội đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Syrie và Israel (dưới sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ, gần đây, Syrie và Israel tiến hành đàm phán gián tiếp về vấn đề Cao nguyên Golan, vùng đất của Syrie bị quân đội Israel chiếm đóng từ năm 1967). Chưa hết, để trả đũa việc Israel giúp huấn luyện quân đội Gruzia và bán vũ khí cho nước này, Nga đang xem xét khả năng cung cấp vũ khí cho Syrie. Damas rất muốn có hệ thống phòng không Pantsyr-S1 và tên lửa tầm trung BUK-M1 của Nga. Nếu có các tên lửa này, Syrie có thể tấn công các mục tiêu ở miền Bắc và Trung Israel. Tổng thống Syrie Bashar Al Assad trong chuyến thăm Mát-xcơ-va hôm 21-8 tuyên bố nước này ủng hộ Nga trong cuộc xung đột với Gruzia.

Ngoài Syrie, Nga cũng tăng cường quan hệ với Iran, không chỉ vì đây là một đối tác thương mại quan trọng. Tổng thống Dmitry Medvedev hôm 21-8 nói rằng Nga ủng hộ việc Iran phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình. Và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Nga, với tư cách là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tiếp tục phủ quyết “không nương tay” các dự thảo nghị quyết trừng phạt Tehran, do phương Tây soạn thảo, chung quanh chương trình làm giàu uranium của nước này.

Mặc dù nhiều nước A-rập được coi là đồng minh của Mỹ, nhưng đến nay họ vẫn giữ thái độ im lặng, không đứng về bên nào trong cuộc xung đột Nga- Gruzia. Trái lại, các nhà phân tích cho rằng dư luận A-rập dường như đang ủng hộ Nga. Theo họ, các nước A-rập không ủng hộ Gruzia vì Tbilisi có quan hệ gần gũi với Israel và Bộ trưởng Quốc phòng Gruzia Davit Kezerashvili từng là công dân Israel.

N.MINH
(Theo AFP, CNSNews, Middle East Times)

Các nhà phân tích lo ngại cuộc đối đầu Nga-Mỹ hiện nay có thể ảnh hưởng đến việc hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nghiên cứu không gian phục vụ lợi ích chung cho nhân loại.

Theo kế hoạch của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), đến năm 2010, tàu con thoi cuối cùng của Mỹ phải “nghỉ hưu”, trong khi thế hệ tàu con thoi mới thay thế dự kiến chỉ được vận hành vào năm 2015. Trong khoảng thời gian 5 năm này, các phi hành gia Mỹ không thể nào bay lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) để tiếp tục sứ mạng khoa học của mình nếu không được “đi nhờ” tàu vũ trụ của Nga. Hiện nay, theo thỏa thuận còn hiệu lực, Nga vẫn đảm nhiệm công việc cung cấp các dịch vụ cho các nhà du hành vũ trụ Mỹ trên ISS đến năm 2011, nhưng nếu hai nước không sớm ký kết kéo dài thời gian hợp đồng thì Mát-xcơ-va sẽ không triển khai xây dựng tàu con thoi Soyuz mới để kịp đáp ứng nhu cầu của NASA sau thời điểm đó.

V.P (Theo Csmonitor)

N.MINH (Theo AFP, CNSNews, Middle East Times)

Chia sẻ bài viết