30/08/2010 - 09:30

BẮT CÓC TỐNG TIỀN NGƯỜI PHƯƠNG TÂY:

Chiến thuật mới của Al-Qaeda tại Bắc Phi?

3 con tin Tây Ban Nha lúc bị AQIM cầm giữ.
Ảnh: AFP

Bắt cóc con tin đòi tiền chuộc vốn là “nghề” của các băng nhóm tội phạm trên thế giới. Còn các tổ chức khủng bố bắt cóc con tin chủ yếu nhằm gây sức ép để đạt được yêu sách. Tuy nhiên, “đổi người lấy tiền” dường như đang là chiến thuật mới của chi nhánh tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda tại Bắc Phi.

Nhật báo El Mundo của Tây Ban Nha cho biết chính quyền Madrid đã phải chi gần 8,8 triệu USD để đổi lấy tự do của 3 nhân viên cứu trợ nhân đạo nước này, bị nhóm al-Qaeda ở Bắc Phi (AQIM) bắc cóc tại Mauritania cuối năm ngoái. AQIM đòi 4,8 triệu USD tiền chuộc và Tây Ban Nha đã đáp ứng đầy đủ. Thế nhưng, do chỉ bỏ túi được 1,9 triệu USD (phần còn lại thuộc về các nhà đàm phán trung gian) nên hồi tháng 3-2010, bọn bắt cóc chỉ phóng thích con tin Alicia Gamez, 39 tuổi. Theo Al Mundo, cái gọi là “tiền nào của nấy” đó buộc chính quyền Thủ tướng José Zapatero phải cắn răng đưa thêm 3,8 triệu USD nữa cho nhóm môi giới, trong đó 2,9 triệu USD cho AQIM.

Tính ra nhóm bắt cóc nhận cả thảy 4,8 triệu USD đúng như chúng yêu cầu trong khi các đối tượng trung gian bỏ túi gần 3 triệu USD. Nhờ chung chi đủ nên 2 công dân còn lại đã trở về nhà an toàn hôm 23-8 sau gần 9 tháng bị giam cầm trên sa mạc của Mali. Tuy nhiên, theo tiết lộ của một chuyên gia đàm phán Mali với hãng tin Pháp AFP, số tiền chuộc thực tế có thể lớn hơn bởi Tây Ban Nha đã tốn hơn 10 triệu USD cho tiến trình đàm phán trao trả con tin.

Đàm phán và trả tiền chuộc con tin cho bọn khủng bố vốn là vấn đề nhạy cảm và cấm kỵ trong quan hệ quốc tế. Thế nên, Thủ tướng Zapatero đã né vấn đề này trong cuộc họp báo mừng sự trở về của 2 công dân bị AQIM bắt cóc. Ông chỉ cho biết chính phủ đã nỗ lực rất nhiều về mặt chính trị, ngoại giao và tình báo về đảm bảo sự an toàn của các con tin. Trước đây, chính quyền ông cũng phủ nhận con tin Alicia Gamez được tự do là nhờ tiền chuộc. Tuy vậy, ngoài thông tin tờ El Mundo tiết lộ, chính AQIM đã lên tiếng thừa nhận các con tin Tây Ban Nha sở dĩ bình an vô sự là “vì một số yêu cầu” của chúng được toại nguyện. AQIM cũng nhắc lại “bài học” của Pháp khi sử dụng vũ lực để giải phóng con tin Michel Germaneau hồi tháng 7 cũng tại sa mạc ở Mali. Cuộc tiến công với sự phối hợp của quân đội Mauritania tiêu diệt được 7 tay súng AQIM, nhưng nhân viên cứu trợ 78 tuổi Germaneau đã bị bọn chúng hành hình sau 3 tháng bị bắt cóc từ Niger.

AQIM tuyên bố giữa họ và Paris từng nhiều lần đàm phán về việc trả tự do cho con tin nhưng chưa đạt kết quả thì quân đội Pháp ra tay. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Pháp phủ nhận Paris đàm phán trực tiếp với AQIM. Thủ tướng Francois Fillon thì cho rằng AQIM có thể đã giết con tin trước khi Pháp tiến công. Tổng thống Nicolas Sarkozy hôm 25-8 cũng khẳng định Pháp không chủ trương dùng tiền đổi lấy tính mạng của dân thường không may bị bọn khủng bố bắt cóc làm con tin, đồng thời nhấn mạnh Paris sẽ hành động nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống khủng bố tại Bắc Phi. Phát biểu của ông Sarkozy một mặt nào đó đã gián tiếp phê phán Tây Ban Nha trả tiền chuộc cho bọn khủng bố như báo El Mundo tiết lộ.

Hiện tại, chưa thể khẳng định Tây Ban Nha và Pháp có đàm phán và trả tiền chuộc trong quá trình giải quyết con tin hay không, nhưng bản thân sự bắt cóc rồi trả tự do hay thủ tiêu con tin bao giờ cũng có mục đích cả. Dư luận nghiêng về giả thiết thứ nhất là AQIM muốn sử dụng “con mồi” phương Tây để bổ sung tài lực phục vụ cuộc thánh chiến tại Bắc Phi. Thứ hai, nếu không có tiền chuộc thì bọn chúng sẽ “xử” con tin nhằm khủng bố tinh thần các nước phương Tây vốn có nhiều lợi ích tại khu vực này. Bắt cóc con tin là chiến thuật có thể giúp chúng đạt được cả hai mục tiêu trên. Còn nhớ, một con tin Anh từng bị AQIM sát hại hồi đầu năm 2009 vì Luân Đôn chưa kịp thực hiện yêu sách của chúng đòi 14 triệu USD tiền chuộc và trả tự do cho 1 giáo sĩ Hồi giáo cực đoan. Tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng giới phân tích tin rằng từ năm 2008 đến nay, có chừng 15-30 công dân phương Tây rơi vào tay của AQIM.

PHÚC GIA AN
(Theo Global Times, AFP, Guardian)

3 con tin Tây Ban Nha lúc bị AQIM cầm giữ. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết