08/03/2008 - 09:31

Chia rẽ xung quanh việc mở rộng NATO

Tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ) hôm 6-3, Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không tìm được tiếng nói chung về việc kết nạp thành viên mới. Pháp, Đức, Bỉ, Luxembourg, Hà Lan và Tây Ban Nha bày tỏ sự lo ngại đối với quyết định trao Kế hoạch hành động thành viên (MAP) cho Ukraina và Gruzia do sự phản đối mạnh mẽ của Nga. Trong khi đó, Hy Lạp không ủng hộ việc gia nhập của Macedonia.

 Tổng thư ký NATO Hoop Scheffer (trái) cùng ngoại trưởng các nước thành viên NATO tại hội nghị. 
Liên minh quân sự hiện có 26 thành viên này dự kiến sẽ trao MAP - bước chuẩn bị trở thành thành viên NATO - cho Ukraina và Gruzia tại hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest (Roumanie) vào tháng 4 tới. Gia nhập NATO được coi là nỗ lực của Ukraina và Gruzia nhằm thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Nga. Vốn là những nước có vị trí địa chiến lược quan trọng đối với Nga, nên Mát-xcơ-va không thể để Ukraina và Gruzia ngả hẳn về phía Mỹ. Các quan chức Nga từng nhiều lần phản đối kế hoạch Đông tiến của NATO, nhưng không thể ngăn cản một loạt các nước đồng minh của Liên Xô trước đây như Bulgarie, Roumanie, Estonia, Latvia, Litva, Slovakia và Slovenia gia nhập khối này hồi năm 2004. Cho nên khi NATO đang tiến đến sát nách, đe dọa an ninh Nga, thì Mát-xcơ-va không thể ngồi yên. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố sẽ hướng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân sang Ukraina nếu nước này gia nhập NATO và cho phép Mỹ triển khai một phần của hệ thống “lá chắn tên lửa” ở đây. Mát-xcơ-va cũng cảnh báo Ukraina và Gruzia có thể xảy ra nội chiến nếu gia nhập NATO, vì lực lượng thân Nga sẽ nổi dậy chống đối.

Trước phản ứng của Nga, một số nước thành viên NATO đề nghị phải cân nhắc lại kế hoạch mở rộng liên minh quân sự này. Mặc dù ủng hộ việc cấp quy chế quan sát viên cho Ukraina và Gruzia nhưng Mỹ tỏ ra thận trọng. Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice tuyên bố NATO sẽ tiếp tục bàn bạc cho tới khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest. Các nhà phân tích cho rằng NATO có thể không trao MAP cho Ukraina và Gruzia ở Bucharest mà dời lại năm sau, vì hội nghị lần này có sự tham gia của Tổng thống Nga Putin. Về lâu dài, có thể không ngăn được Ukraina và Gruzia gia nhập NATO, nhưng Nga có khả năng sẽ trả đũa bằng vũ khí năng lượng, vấn đề mà các nước Tây Âu rất lo ngại vì phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung khí đốt của Nga.

NATO kỳ vọng ba nước vùng Balkan là Albanie, Croatia và Macedonia trở thành thành viên của NATO sẽ giúp ổn định khu vực có nhiều tranh chấp này. Thế nhưng, vẫn với lập trường hơn 17 năm qua là không công nhận nước Cộng hòa Macedonia do trùng tên với tỉnh Macedonia của Hy Lạp, Athens tiếp tục phản đối việc kết nạp nước này. Tất nhiên, Macedonia không chấp nhận đổi tên nước để được gia nhập NATO. Theo quy chế chung, việc kết nạp thành viên mới phải được tất cả các thành viên nhất trí, do vậy Hy Lạp có quyền phủ quyết để ngăn cản việc gia nhập NATO của Macedonia.

N.MINH (Theo AFP, AP, Washingtonpost)

Chia sẻ bài viết