Thế giới ngày càng phụ thuộc vào thông tin và kết nối vốn được cung cấp bởi các hệ thống thương mại, dân sự, quân sự trong không gian. Khi những công nghệ mới tạo ra nhiều ứng dụng mới trong vũ trụ và số tài sản của các quốc gia gia tăng, các lực lượng quân đội xem vũ trụ như một mặt trận của chiến tranh, tương tự như trên bộ, trên biển và trên không.

Nga đang sở hữu vũ khí laser Peresvet có thể phá hủy một vệ tinh trong không gian.
Không gian ngày nay đóng vai trò quyết định đối với hoạt động tình báo, trong đó do thám và thu thập dữ liệu là hai thành tố quan trọng phụ thuộc vào các cơ sở hạ tầng ngoài vũ trụ. Thống trị thông tin có ý nghĩa sống còn khi xảy ra xung đột và các vệ tinh là một phần thiết yếu trong đó. Vì lẽ đó, vệ tinh trở thành mục tiêu tiềm tàng để phá hủy hoặc đánh chặn trong trường hợp nổ ra chiến tranh. Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối rộng khắp đối với phát triển vũ khí không gian, nhiều cường quốc vẫn thử nghiệm và triển khai năng lực này.
Những năng lực không gian tinh vi
Vũ khí tiếp xúc (kinetic) là loại vũ khí có khả năng bắn hạ các mục tiêu trong không gian và trên Trái đất. Những vũ khí đất đối không gian gồm cả tên lửa diệt vệ tinh (ASAT). Các quốc gia có tham vọng sức mạnh lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Ðộ đều sở hữu năng lực này và liên tục thử nghiệm chúng. Vụ thử ASAT gần nhất là vào tháng 11-2021 khi Nga kết liễu vệ tinh Cosmos 1408 cũ trên quỹ đạo thấp của Trái đất (LEO, khoảng không gian có độ cao từ 160km-2.000km tính từ bề mặt Ðịa cầu) bằng tên lửa bắn từ Trái đất, tạo ra 1.500 mảnh vỡ. Loại vũ khí này tạo ra rất nhiều mảnh vỡ nguy hiểm và đe dọa các tàu vũ trụ trên quỹ đạo, có nguy cơ kéo theo hiệu ứng domino khủng khiếp. Do đó, nhiều quốc gia đã phản đối các vụ thử ASAT trong tương lai.
Vũ khí tiếp xúc giúp chiếm lợi thế đáng kể trong xung đột bởi chúng có thể nhắm vào những mục tiêu không gian và ở Trái đất. Do có thể vươn tới bất cứ nơi đâu nhanh chóng, vũ khí này đặt ra mối đe dọa rất lớn cho an ninh quốc gia và thách thức khả năng phòng thủ theo những cách không theo quy ước.
Trong khi đó, vũ khí không tiếp xúc (nonkinetic) gồm laser năng lượng định hướng, thiết bị phá sóng, bom xung điện từ, vũ khí vi sóng năng lượng cao và tấn công mạng. Chúng có thể phá hủy vật lý hoặc quấy rối các vật thể trong không gian mà không tiếp xúc trực tiếp. Mỹ, Nga, Trung Quốc, Iran, CHDCND Triều Tiên đã thử nghiệm và triển khai khí tài này. Một ví dụ gần đây là vụ Công ty vệ tinh Viasat của Mỹ trở thành nạn nhân cuộc tấn công mạng, khiến quân đội Ukraine lập tức mất liên lạc đúng một giờ trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Vũ khí không tiếp xúc cũng có thể là tàu vũ trụ theo dõi và phân tích vệ tinh mục tiêu, làm gián đoạn hoạt động liên lạc và nhận tín hiệu từ các vệ tinh khác. Vào tháng 8 năm ngoái, một tàu vũ trụ của Nga được phát hiện đã do thám một vệ tinh tình báo Mỹ, di chuyển ở khoảng cách gần rất nguy hiểm cho thiết bị này. Giới chức xứ cờ hoa gọi đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với thế thống trị không gian của Mỹ. Những phương thức này có thể mang ý đồ xấu, cho dù tàu vũ trụ không được xem là vũ khí. Sự cố cũng cho thấy vấn đề công nghệ lưỡng dụng và sự cần thiết của việc hợp tác trong không gian.
Năm 2020, vệ tinh Cosmos 2542 của Nga đã phóng một vệ tinh nhỏ hòng rình rập một vệ tinh do thám của Mỹ ở LEO. Cosmos 2542 còn “nhả” ra thêm vệ tinh nhỏ khác bị nghi là vũ khí diệt vệ tinh.
Hồi tháng 12-2021, vệ tinh Thực Tiễn 21 (SJ-21) của Trung Quốc tiếp cận vệ tinh Bắc đẩu-2 G2 “đã chết” trên LEO. Sau đó, SJ-21 tóm lấy vệ tinh kia, kéo nó đến “nghĩa địa vệ tinh” ở cách xa hàng trăm ki-lô-mét nhằm giảm nguy cơ va chạm với các vệ tinh còn hoạt động, rồi quay lại quỹ đạo đồng bộ (GEO, độ cao 35.400km so với Trái đất). Với cách làm tương tự, kỹ thuật này cũng có thể đe dọa các vệ tinh Mỹ. Bắc Kinh có cả vệ tinh Thực Tiễn 17 được trang bị cánh tay robot để tóm lấy các vệ tinh khác. Năm 2007, Trung Quốc từng thử nghiệm ASAT để bắn hạ một vệ tinh thời tiết của nước này.
Ðua nhau lập Lực lượng Không gian
Không chỉ phát triển vũ khí tiên tiến, các cường quốc còn thành lập đơn vị quân đội chuyên trách những hoạt động bên ngoài Trái đất. Những bước đi này là dấu hiệu cho thấy không gian đang trở thành mặt trận mới của cuộc chiến.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2019 từng nói “Không gian là mặt trận mới nhất của cuộc chiến” và nơi đây đang ngày càng trở thành mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ. Hai dấu hiệu chính chỉ ra nỗi lo đó là sự ra đời của Lực lượng Không gian (USSF) và hồi sinh Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ (SPACECOM). USSF, nhánh thứ sáu trong quân đội Mỹ, có hơn 8.400 nhân viên, 77 tàu vũ trụ và vệ tinh, cùng khoản ngân sách hơn 26,3 tỉ USD trong năm tài chính 2023. Lực lượng này chịu trách nhiệm tổ chức, huấn luyện và trang bị cho các quân nhân, trong khi SPACECOM thực hiện các hoạt động và chiến đấu tiềm tàng.

Trung Quốc phóng tên lửa mang vệ tinh SJ-21 hồi tháng 10-2021. Ảnh: Eurasian Times
Ở Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình từng mô tả khám phá vũ trụ, xây dựng ngành công nghiệp vũ trụ và biến Trung Quốc thành cường quốc không gian là giấc mơ muôn đời. Vào năm 2015, quân đội Trung Quốc thành lập Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược (SSF) nhằm đối phó trước những loại đe dọa mới của thời hiện đại. SSF được chia thành 2 nhánh. Nhánh Hệ thống Mạng tập trung vào chiến tranh điện tử và hoạt động mạng, còn Nhánh Hệ thống Không gian thực thi các nhiệm vụ của SFF như phóng tàu, theo dõi và do thám trong vũ trụ.
Cũng trong năm đó, Lực lượng vũ trang Nga thành lập một nhánh mới mang tên Lực lượng Hàng không Vũ trụ (trong đó có Lực lượng Không gian), giữ nhiệm vụ bảo vệ khả năng tiếp cận không gian của Mát-xcơ-va.
Là liên minh quân sự lớn nhất thế giới, Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) tất nhiên không thể ngó lơ lĩnh vực không gian. Cuối năm 2019, NATO tuyên bố không gian là lĩnh vực hoạt động thứ năm của khối, bên cạnh trên bộ, trên biển, trên không và không gian mạng. Một năm sau, liên minh này hoàn tất kế hoạch xây dựng một trung tâm vũ trụ mới tại nước Ðức với nhiệm vụ điều phối quan sát không gian.
Cần thỏa thuận mới thúc đẩy hợp tác không gian
Năm hiệp ước được thông qua để giải quyết các hoạt động trong không gian đã hình thành nền tảng của luật không gian quốc tế. Nhưng hiện nay, “Hiệp ước không gian” (OST) năm 1967 vẫn là văn bản trọng tâm về luật không gian quốc tế và là hiệp ước quan trọng nhất trong 5 hiệp ước chính về lĩnh vực này của Liên Hiệp Quốc.
Ðiều 4 của OST cấm đưa vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt lên quỹ đạo Trái đất, cấm các hoạt động quân sự ở những thiên thể khác, trong khi đặt ra những quy tắc cho công cuộc khám phá vũ trụ một cách hòa bình. Tuy nhiên, cơ chế trên lại không đề cập đến các vũ khí quy ước và lỗ hổng này đã bị các nước khai thác để vũ khí hóa vũ trụ ngày nay. Các hiệp ước được viết khá mơ hồ và hạn chế về mức độ hoạt động, vì vậy không thể ngăn chặn tình trạng quân sự hóa vũ trụ. Hơn nữa, những phát triển mới về công nghệ lại đặt ra thách thức mới, qua đó cho thấy sự cần thiết tăng cường khuôn khổ pháp lý hiện có.
❝Khi số lượng vệ tinh trong không gian ngày càng nhiều, nhu cầu theo dõi và do thám cũng tăng theo. Nhận thức Tình huống không gian (SSA) là vấn đề nổi cộm khi quỹ đạo Trái đất trở nên chật chội hơn do các vệ tinh quân sự lẫn dân sự. Số lượng vệ tinh đã tăng từ 986 thiết bị hồi năm 2009 lên 1.877 năm 2021 và vẫn tiếp tục tăng. Ngoài ra, hơn 1 triệu mảnh vỡ kích cỡ lớn hơn 1cm đang lơ lửng xung quanh Trái đất. Do vậy, SSA là cần thiết để tránh những vụ va chạm trong không gian vì nó theo dõi các vật thể trong quỹ đạo. Ngày nay có nhiều tổ chức SSA chẳng hạn như Mạng lưới Giám sát không gian thuộc Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, Chương trình SSA của Cơ quan vũ trụ châu Âu và Mạng lưới Giám sát vũ trụ thuộc Lực lượng Không gian vũ trụ Nga❞
Kỳ tới: Nở rộ du lịch không gian