HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)
Kỳ 1: Tranh nhau khám phá Mặt trăng
Nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và các công ty tư nhân đang nỗ lực đặt chân lên Mặt trăng nhằm khai thác nguồn tài nguyên băng nước quý giá. Băng nước là “chìa khóa” để chinh phục Mặt trăng và xa hơn là bay tới sao Hỏa.

NASA đang hợp tác với các công ty tư nhân phát triển thiết bị đổ bộ Mặt trăng. Ảnh: AFP
Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Mỹ và Liên Xô bước vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh với việc đối đầu căng thẳng trên nhiều lĩnh vực. Nổi bật trong số này là cuộc đua chinh phục Mặt trăng. Tuy tàu vũ trụ không người lái Luna 2 của Liên Xô là thiết bị nhân tạo đầu tiên đổ bộ xuống Mặt trăng năm 1959, Mỹ mới là bên giành chiến thắng khi các phi hành gia trong nhiệm vụ Apollo 11 đã trở thành những người đầu tiên đặt chân lên bề mặt hành tinh này vào ngày 20-7-1969. Người cuối cùng lên Mặt trăng là phi hành đoàn Apollo 17 năm 1972. Cho tới nay, chưa có ai quay trở lại thiên thể cách Trái đất gần 390.000km.
Con người không trở lại Mặt trăng là do kinh phí khổng lồ. Chính phủ Mỹ từng tốn 25,8 tỉ USD cho các sứ mệnh Apollo vốn giúp ích cho cuộc đua không gian, nhưng động lực đã mất đi khi nước này giành chiến thắng. Cựu Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Jim Bridenstine từng nói với Kênh CNN rằng thực hiện một sứ mệnh chở người khác lên Mặt trăng có thể “ngốn” tới 30 tỉ USD.
Nhưng vào năm 2008 và 2009, các nhà khoa học đã phát hiện băng nước bên dưới bề mặt cực Nam Mặt trăng. Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ lập tức nhắm tới khu vực có nguồn tài nguyên đóng băng này. Nếu tồn tại với số lượng đủ lớn, băng nước có thể sẽ là nguồn nước uống phục vụ cho việc khám phá Mặt trăng và giúp làm mát thiết bị. Băng nước cũng có thể được phân tách để tạo ra hydro làm nhiên liệu tên lửa đẩy và ôxy để thở, hỗ trợ các sứ mệnh bay lên sao Hỏa.
Mỹ, Trung “so kè”
Trong chương trình Artemis trị giá gần 93 tỉ USD, NASA không chỉ muốn đổ bộ thiết bị không người lái xuống khu vực gần cực Nam Mặt trăng mà còn đưa nhà du hành lên đây. NASA dự định thực hiện một chuỗi nhiệm vụ ngày càng phức tạp để trở lại Mặt trăng và thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người tại đây, từ đó phát triển và thử nghiệm các công nghệ cho hành trình cuối cùng tới sao Hỏa. Nhiệm vụ đầu tiên, Artemis 1, là phóng tàu vũ trụ không người lái bay quanh Mặt trăng vào năm 2022. Artemis 2, dự kiến diễn ra cuối năm 2024, cũng bay theo quỹ đạo tương tự nhưng mang theo 4 nhà du hành. Nhiệm vụ Artemis 3 hướng tới mục tiêu đưa con người trở lại thiên thể này năm 2025, bao gồm cả người phụ nữ đầu tiên và phi hành gia da màu đầu tiên. NASA cũng đã xác định 13 vị trí đổ bộ tiềm năng ở gần cực Nam cho Artemis 3.
Sự hiện diện của nước tại cực Nam Mặt trăng cũng làm dấy lên những lo ngại về việc giành quyền sở hữu nguồn tài nguyên này. Giám đốc NASA Bill Nelson gần đây nhấn mạnh ông không muốn thấy Trung Quốc đưa người lên cực Nam trước và tuyên bố chủ quyền đối với nguồn nước tại đây. Giới chức NASA mô tả chương trình vũ trụ ngày càng phát triển của Trung Quốc là sự cạnh tranh chính của cơ quan này.
Trung Quốc có kế hoạch đưa người lên Mặt trăng năm 2030 và xây dựng căn cứ trên vệ tinh tự nhiên của Trái đất. Kể từ năm 2013, Bắc Kinh đã đưa thành công các tàu tự hành hạ cánh xuống Mặt trăng với các nhiệm vụ Hằng Nga 3, 4 và 5. Đáng nói, tàu Hằng Nga 4 vào năm 2019 đã giúp Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh mềm xuống mặt không nhìn thấy được của Mặt trăng (còn gọi là mặt tối/xa). Một năm sau, tàu Hằng Nga 5 đáp xuống mặt gần của Mặt trăng. Con tàu mang cả mẫu đất đá Mặt trăng về Trái đất, lần đầu tiên điều này được thực hiện sau hơn 4 thập kỷ.
Năm tới, Trung Quốc dự kiến sẽ phóng tàu Hằng Nga 6 trong nỗ lực hạ cánh xuống mặt xa của Mặt trăng. Đến năm 2026, cực Nam Mặt trăng sẽ là đích đến của Hằng Nga 7.
Khối tư nhân nhảy vào
Trước đây, Mỹ và Liên Xô phát triển công nghệ để tới Mặt trăng đầu tiên. Liên Xô gặp khó khăn trong việc chế tạo phương tiện đủ mạnh để phóng tàu có người lái tới Mặt trăng. Trong khi đó, Mỹ chế tạo Saturn V, tên lửa mạnh nhất từng phóng cho tới khi tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) của NASA bay lần đầu hồi cuối năm 2022.
Hiện nay, nhiều quốc gia, ngay cả công ty tư nhân cũng có khả năng đưa tàu vũ trụ tới Mặt trăng. Công ty SpaceX của tỉ phú Mỹ Elon Musk đang phát triển tên lửa Starship cho hoạt động kinh doanh phóng vệ tinh và đưa các phi hành gia NASA lên Mặt trăng theo hợp đồng trị giá 3 tỉ USD. Các công ty vũ trụ của Mỹ là Astrobotic và Intuitive Machines cũng đang chế tạo tàu đổ bộ dự kiến sẽ phóng lên cực Nam Mặt trăng vào cuối năm nay.
|
Ấn Độ vượt mặt Nga

Người dân Ấn Độ “nín thở” xem buổi phát sóng trực tiếp cuộc đổ bộ lịch sử của Chandrayaan-3 hôm 23-8. Ảnh: Reuters
Trong khi Trung Quốc còn đang lên kế hoạch, Nga và Ấn Độ đã thực hiện hai sứ mệnh nhắm tới khu vực gần cực Nam Mặt trăng hồi tháng 8. Vụ phóng tàu vũ trụ Luna-25 là lần đầu tiên Nga hướng tới Mặt trăng kể từ năm 1976. Tuy nhiên, Luna-25 không thể kiểm tra công nghệ hạ cánh nhẹ nhàng, phân tích bụi đá bề mặt và nghiên cứu khoa học như dự kiến bởi tàu đã đâm xuống bề mặt Mặt trăng. Nga tính phóng thêm các tàu Luna-26 vào năm 2027, Luna-27 năm 2028 và Luna-28 sớm nhất trong năm 2030. Nước này cũng muốn đóng một vai trò quan trọng trong dự án Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) của Trung Quốc thay vì chương trình Artemis của Mỹ.
Thời nay, tiến bộ công nghệ đã làm giảm chi phí của các nhiệm vụ không gian, mở đường cho những người chơi mới tham gia, thậm chí gây ấn tượng mạnh. Vào năm 2008, Ấn Độ triển khai Chandrayaan-1, nhiệm vụ Mặt trăng đầu tiên trong chương trình Chandrayaan của nước này. Sứ mệnh gồm một tàu quỹ đạo bay quanh Mặt trăng để lập bản đồ địa chất, khoáng vật và hóa học của hành tinh. Năm 2019, quốc gia Nam Á này thực hiện Chandrayaan-2 nhằm đưa tàu đáp xuống cực Nam Mặt trăng nhưng thất bại.
Không bỏ cuộc, Ấn Độ gần đây đã thử sức với tàu thám hiểm Chandrayaan-3 và cuối cùng được đền đáp khi trạm đổ bộ Vikram của tàu hạ cánh thành công xuống khu vực gần cực Nam Mặt trăng hôm 23-8. Thành công này đã đưa Ấn Độ trở thành nước thứ 4 trên thế giới đáp xuống bề mặt Mặt trăng, chỉ sau Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc và là quốc gia đầu tiên đổ bộ xuống cực Nam hành tinh.
Vị trí hạ cánh của trạm Vikram gần cực Nam Mặt trăng hơn so với bất kỳ nỗ lực của tàu vũ trụ nào khác trong lịch sử. Vikram đáp xuống cùng robot tự hành Pragyan. Sứ mệnh đổ bộ Chandrayaan-3 được phát triển với vốn đầu tư chỉ khoảng 74 triệu USD, thấp hơn kinh phí sản xuất bộ phim khoa học viễn tưởng Gravity của Mỹ năm 2013.
Mặt trăng “ăn thịt” tàu vũ trụ
Ngày nay, bay đến Mặt trăng dễ hơn nhiều so với cách đây 6 thập niên nhưng rất khó đổ bộ, đơn cử như những thất bại từ nhiệm vụ Chandrayaan-2 của Ấn Độ năm 2019 hay nhiệm vụ Luna-25 của Nga mới đây. Những sự cố này cho thấy hạ cánh xuống hành tinh có lớp khí quyển mỏng như Mặt trăng không phải nhiệm vụ dễ dàng, càng khó hơn ở cực Nam có địa hình gồ ghề với nhiều miệng núi lửa và rãnh sâu. Tàu vũ trụ LRO của NASA từng đo nhiệt độ tại 2 cực Mặt trăng là -2460C, nhiệt độ có thể gây căng thẳng cho các hệ thống năng lượng của thiết bị đổ bộ. Ngược lại, hạ cánh gần xích đạo dễ hơn vì một số lý do kỹ thuật liên quan đến ánh sáng, liên lạc và địa hình. Do vậy, vùng này là mục tiêu nhắm tới của các sứ mệnh Mặt trăng trước đây, kể cả những cuộc đổ bộ có người của Apollo.
Hơn 140 sứ mệnh Mặt trăng đã diễn ra kể từ thập niên 1950, trong đó có những chuyến hạ cánh lịch sử, tàu rơi không kiểm soát và thiết bị trên quỹ đạo. Trong số này, chỉ có 28 cuộc đổ bộ thành công bao gồm 6 sứ mệnh chở người. Có tổng cộng 12 người đi bộ trên Mặt trăng và tất cả đều là người Mỹ.
|
----------------------
Kỳ tới: Nguy cơ quân sự hóa