21/06/2021 - 08:08

Chạy đua lấp khoảng trống ở Afghanistan 

Quyết định rút quân khỏi Afghanistan của Mỹ đã khơi mào cuộc tranh giành ảnh hưởng tại đất nước Tây Nam Á. Những quốc gia trong khu vực, từ Trung Quốc cho đến Thổ Nhĩ Kỳ, đều muốn tận dụng khoảng trống quyền lực ngoại giao ở Kabul.

Lực lượng an ninh Afghanistan được cho là không đủ khả năng bảo vệ sân bay quốc tế Hamid Karzai. Ảnh: Reuters

Các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) dự kiến sẽ rút hết binh sĩ khỏi Afghanistan trước thời hạn chót 11-9 tới. Riêng Mỹ rút 2.500 lính, 16.000 nhà thầu dân sự và hàng trăm tấn trang thiết bị. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định vẫn duy trì lực lượng của họ tại Afghanistan.

Thổ Nhĩ Kỳ không có chung đường biên giới với Afghanistan, nhưng giới phân tích cho rằng nước này đang phát hiện cơ hội lớn tại đây. Trước mắt, Ankara đã tìm cách thể hiện thiện chí trong quan hệ đang hục hặc với Mỹ bằng cách đề xuất bảo vệ sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul - cầu nối quan trọng với thế giới. Bước đi này cũng phù hợp với chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ là vừa nâng cao vị thế trên trường quốc tế vừa tự định vị vai trò có ảnh hưởng lớn hơn tại Afghanistan.

Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ 500 binh sĩ nước này sẽ đứng ra bảo vệ sân bay Hamid Karzai nếu được các đồng minh hỗ trợ về tài chính, hậu cần. Tuy nhiên, phía Taliban nhấn mạnh mặc dù là một “quốc gia Hồi giáo vĩ đại”, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một phần của NATO và do đó phải rút khỏi Afghanistan theo thỏa thuận hòa bình với Mỹ năm 2020.

Trung, Nga, Iran không ngồi yên

Trung Quốc coi Afghanistan là một cơ hội kinh tế. Nhưng những gì Mỹ và NATO nếm trải tại Afghanistan kể từ năm 2001 sẽ khiến cho bất cứ nước nào cũng phải dè chừng trước khi can dự sâu hơn. Do vậy, Trung Quốc tỏ ra thận trọng và bắt tay với đồng minh chiến lược Pakistan, quốc gia có ảnh hưởng lớn đối với nhóm phiến quân Taliban. Bắc Kinh đã khởi động cuộc đối thoại 3 bên với Kabul và Islamabad nhằm tìm cách bảo vệ, phát triển Afghanistan. Lâu nay, Trung Quốc xem Afghanistan như một đối tác kinh tế, hành lang hữu ích cho sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng “Vành đai, Con đường” và là nguồn cung khoáng sản. Thế nhưng tình hình mất an ninh tại Afghanistan lại đặt ra thách thức cho nỗ lực đầu tư của Trung Quốc.

Trong khi đó, Nga cảm thấy yên tâm khi Mỹ sẽ không còn hiện diện quân sự lớn ở gần sườn Nam của mình (khu vực gồm một số quốc gia Trung Á), nhưng cũng lo ngại việc Washington không tiếp tục bảo vệ Afghanistan có thể dẫn đến bất ổn hơn. Thậm chí, một phong trào Hồi giáo nào đó có thể len lỏi vào “sân sau” của Mát-xcơ-va. Hiện Nga đang huấn luyện cho các tân binh thuộc lực lượng an ninh Afghanistan, đồng thời cân nhắc thúc đẩy hơn nữa quan hệ quốc phòng với Kabul.

Ðối với quốc gia có đông người Hồi giáo dòng Shitte như Iran, quan hệ khó khăn với những tay súng Taliban theo dòng Sunni đã được xoa dịu khi cả hai đều có kẻ thù chung là Mỹ. Với việc lính Mỹ rút đi và Taliban giành chiến thắng trên thực địa, Iran đã phải làm quen với việc hợp tác với lực lượng nổi dậy này. Ðầu năm nay, lãnh đạo Taliban đã được mời đến thủ đô Tehran để thảo luận với giới chức Iran về tiến trình hòa bình Afghanistan.

Lợi thế của Pakistan

Trong nhiều thập niên, Pakistan vừa chịu gánh nặng vừa bị đổ lỗi là nguyên nhân gây ra xung đột ở Afghanistan. Islamabad được cho là từng đào tạo các thành viên nhóm vũ trang Mujahedeen, được Cục Tình báo Trung ương Mỹ tài trợ, để tiến hành cuộc chiến chống lại Liên Xô ở Afghanistan trong thập niên 1980. Sang thế kỷ 21, Pakistan còn bị nghi là hậu thuẫn Taliban. Mặt khác, Pakistan cũng đã phải thực hiện chính sách mở cửa biên giới với Afghanistan, đón nhận hơn 3 triệu người tị nạn đến từ quốc gia láng giềng.

Giờ đây, khi khoảng trống quyền lực mở ra ở Afghanistan, Pakistan dường như muốn tái định hình vai trò trong khu vực. Moeed Yusuf, Cố vấn an ninh quốc gia Pakistan, gọi chính sách mới của nước này là “sự thay đổi trí tưởng tượng, chuyển từ việc sử dụng vị trí quan trọng trong khu vực cho mục đích địa chiến lược sang địa kinh tế”.

Theo Tiến sĩ Asfandyar Mir tại Ðại học Stanford (Mỹ), Trung Quốc, Nga, Iran, Ấn Ðộ và Thổ Nhĩ Kỳ đều muốn hợp tác với Taliban, bởi giả thuyết cho rằng sự trở lại cầm quyền của nhóm phiến quân này chỉ là vấn đề thời gian. Trong khi đó, Madiha Afzal, chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, nhận định Pakistan có lẽ đang có lợi thế lớn nhất trong cuộc tranh giành, dựa trên vị trí địa lý và lịch sử quan hệ của nước này với Taliban.

HẠNH NGUYÊN (Theo Nikkei Asia)

Chia sẻ bài viết