21/02/2008 - 09:12

Châu Phi hết mặn mà với Mỹ

Trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Bush (phải), Tổng thống Ghana Kufuor đã nói “không” với AFRICOM. Ảnh: AP

Hôm nay 21-2, Tổng thống Mỹ George Bush kết thúc chuyến thăm 5 nước châu Phi kéo dài 6 ngày bằng việc ghé sang Liberia. Theo thông báo của Nhà Trắng, chuyến thăm Benin, Tanzania, Rwanda, Ghana và Liberia của ông Bush là nhằm đưa ra một loạt sáng kiến giải quyết các vấn đề nhức nhối của lục địa đen như đại dịch HIV/AIDS, an ninh và giáo dục. Tuy nhiên, mục đích thực sự của Washington là muốn tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Phi, thúc đẩy cuộc chiến chống khủng bố và khôi phục những lợi ích của Mỹ tại châu lục giàu tài nguyên này trước sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc.

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Ellen Johnson Sirleaf, dự kiến ông Bush sẽ yêu cầu Liberia cho Mỹ đặt trụ sở Bộ chỉ huy châu Phi (AFRICOM) ở đây. Vốn được thành lập bởi các nô lệ trốn từ Mỹ hồi những năm 1820, Liberia được xem là “ứng viên” duy nhất để Washington bàn việc này, vì nhiều nước châu Phi khác từng công khai phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đất nước họ. Khi ông Bush đến Ghana hôm 19-2, Tổng thống nước chủ nhà John Kufuor khẳng định việc Mỹ đặt trụ sở AFRICOM trên lãnh thổ nước này là không thể. Nigeria, nước đang giữ chức chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), thậm chí còn tuyên bố rằng sẽ không cho phép Mỹ đặt trụ sở AFRICOM tại bất cứ đâu ở châu Phi.

AFRICOM được thành lập hồi năm ngoái và hiện đang “tá túc” tại Đức. Mặc dù giới cầm quyền Mỹ ra sức giải thích rằng họ sẽ không triển khai quân đội tới châu Phi hay thiết lập căn cứ quân sự thông qua AFRICOM, nhưng nhiều nước châu Phi vẫn lo ngại bị xâm phạm chủ quyền, cũng như khiến họ trở thành mục tiêu tấn công của các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Trong chương trình Sáng kiến giáo dục Mỹ - Phi, Liberia nhận 600 triệu USD đến năm 2010 và Mỹ cũng đang cung cấp tài chính cho Liberia huấn luyện lực lượng vũ trang mới sau khi cuộc nội chiến kết thúc năm 2003, nhưng Tổng thống Sirleaf cố né tránh vấn đề AFRICOM. Thay vào đó, trả lời báo chí trước cuộc gặp với ông Bush, bà Sirleaf lại so sánh chuyến thăm này với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hồi năm ngoái.

Các nhà phân tích cho rằng nỗ lực cuối cùng của ông Bush trên cương vị tổng thống Mỹ trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2009, nhằm gầy dựng ảnh hưởng ở châu Phi rõ ràng không hiệu quả. Ngay tại trạm dừng chân đầu tiên ở Benin, chuyến công du của ông Bush bị “phủ bóng đen” bởi làn sóng phản đối của nông dân trồng bông nước này. Những khoản viện trợ nông nghiệp khổng lồ của Mỹ đang hủy hoại nền kinh tế của quốc gia nhỏ bé vốn dựa vào ngành trồng bông này. Từ năm 2003 đến nay, cùng với Mali, Burkina Faso và Chad, Benin tích cực vận động Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) buộc các nước sản xuất bông, nhất là Mỹ, bãi bỏ việc trợ cấp cho ngành bông.

Mỹ muốn củng cố lợi ích ở châu Phi, với dự báo khu vực này sẽ đáp ứng 25% nhu cầu dầu cho họ vào năm 2015, nhưng xem ra đã chậm chân so với Trung Quốc. Trong khi Mỹ vẫn loay hoay với những cam kết viện trợ kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc về chính trị thì Trung Quốc nhanh chóng vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của châu Phi với kim ngạch buôn bán song phương dự kiến lên tới 100 tỉ USD vào năm 2010. Là nhà tài trợ hàng đầu cho châu Phi nên cũng dễ hiểu khi Bắc Kinh đang được tạo điều kiện thuận lợi trong việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đây.

•N.MINH

(Theo AP, AFP, Guardian, Reuters)

•N.MINH

Chia sẻ bài viết